Thứ tư, 17/04/2024 | 02:10
RSS

Mối hoạ 'không thuốc chữa' vì kháng kháng sinh

Thứ tư, 25/11/2020, 19:44 (GMT+7)

Được ca ngợi như một điều kỳ diệu trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh đã thay đổi cuộc chơi trong việc đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm - giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và tuổi thọ của người lớn được kéo dài. Nhưng bức tranh đó đang thay đổi đáng kể.

Trong vòng một năm gần đây, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Nằm tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân nam 71 tuổi ở Ninh Bình có tiền sử đái tháo đường, gút đang trong tình trạng nguy kịch do kháng kháng sinh (kháng lại các thuốc kháng sinh).

Bệnh nhân này có biểu hiện sốt, ho, khó thở và đã được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình điều trị viêm phổi trước đó. Sau 10 ngày, tình trạng không cải thiện, biểu hiện nhiễm trùng ngày càng nặng, kém đáp ứng kháng sinh, ông được chuyển lên tuyến trên.

Mối hoạ không thuốc chữa vì kháng kháng sinh

Chăm sóc một bệnh nhân bị kháng kháng sinh ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.Thanh

BS Nguyễn Hữu Quân, Khoa Cấp cứu A9, cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Dù đã được dùng kháng sinh mạnh nhưng tình trạng nhiễm trùng của người đàn ông 71 tuổi này không cải thiện. Bác sĩ Bạch Mai phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn.

Đây là một trong số không ít ca bệnh kháng kháng sinh được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai gần đây. Điều đáng nói, tình trạng bệnh nhân kháng thuốc tăng cao báo động, xảy ra nhiều bệnh viện, không chỉ ở trung tâm lớn.

Phân tích cụ thể hơn, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, cho hay những năm trước, tỷ lệ bệnh nhân kháng kháng sinh từ tuyến dưới chỉ gặp vài ca, nhưng nay nhiều ca chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai khi được cấy vi khuẩn ngay từ lúc vừa mới tiếp nhận đã phát hiện vi khuẩn kháng thuốc.

PGS Chi cho hay nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng nhiễm trùng tăng lên nhanh, gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.

Tại buổi lễ Miting truyền thông về phòng, chống kháng thuốc, tổ chức chiều 25/11, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

Được ca ngợi như một điều kỳ diệu trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh đã thay đổi cuộc chơi trong việc đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm - giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và tuổi thọ của người lớn được kéo dài. Nhưng bức tranh đó đang thay đổi đáng kể.

Thứ trưởng khẳng định việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết,... đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng.

"Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa" - Thứ trưởng nhấn mạnh kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu.

Theo báo cáo toàn cầu về kháng thuốc năm 2014 của WHO được tổng hợp từ 114 quốc gia trên khắp các khu vực cho thấy: người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Bản đồ Sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh. Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Nhiều loại vi khuẩn đã kháng kháng sinh, trong đó tỷ lệ kháng kháng sinh của vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột và tiêu chảy tăng 40% trong 10 năm qua.

Võ Thu
Theo GiadinhNet