Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay (13/6), bão số 1 - NURI đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 12; sóng biển cao 3-5,5m; biển động rất mạnh. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) đều có nguy cơ rủi ro cao.
Được biết rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với vùng hội tụ gió lên đến mực 5.000m nên từ chiều tối và đêm ngày 13/6 đến ngày 15/6 ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, riêng vùng núi và trung du có mưa to đến rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối, đêm và sáng sớm với lượng mưa phổ biến 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; vùng núi và trung du 50-100mm/24h, có nơi trên 150mm/24h); ở Bắc Trung Bộ có mưa dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của bão, thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Dự báo từ ngày 14/6 đến 16/6, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-4m, hạ lưu từ 1,5-3,0m. Mực nước đỉnh lũ trên các sông dưới mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng ở nhiều tỉnh vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và xảy ra ngập úng tại các đô thị, đặc biệt là các thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội