Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:11
RSS

Mất thị lực, sụt gần 20kg sau khi dùng thuốc trị đái tháo đường mua trên mạng

Thứ sáu, 04/12/2020, 11:08 (GMT+7)

Nghe lời người quen, bà B. uống loại thuốc mua qua mạng để chữa đái tháo đường. Sau khi dùng thuốc, bà thấy mệt mỏi, mắt phải của bà gần như không thấy gì, sụt cân nhanh chóng...

Mất thị lực 1 mắt, sụt gần 20kg sau khi dùng thuốc mua trên mạng trị đái tháo đường

Bệnh nhân B. được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ảnh: BVNTTƯ

Ngày 4/12, thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị sụt cân nhanh chóng, mất thị lực mắt phải sau khi sử dụng thuốc mua trên mạng trị đái tháo đường.

Cụ thể, bệnh nhân là bà Nguyễn Thị B. (70 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội). Khai thác tiền sử được biết, bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm và phải duy trì điều trị theo đơn thuốc của bệnh viện địa phương. 

Tuy nhiên, khoảng 8 tháng gần đây, bệnh nhân được người quen giới thiệu, mua một loại thuốc được quảng cáo trên Internet. Bà sử dụng loại thuốc này và ngưng hoàn toàn thuốc đái tháo đường được bác sĩ kê trước đó. 

Sau một thời gian uống thuốc, bà thấy cơ thể mệt mỏi và và xuống cân nhiều (từ 54kg xuống còn 36kg), do đó bà phải nhờ con gái yêu cầu đơn vị bán hàng đổi loại khác. Nhưng sau khi sử dụng loại mới, tình trạng bệnh vẫn không tiến triển, thậm chí một bên mắt phải của bà gần như không còn thấy gì. Lúc này, bà xin chuyển xuống điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo lời kể của gia đình, chi phí cho mỗi hộp thuốc là 400 nghìn đồng. Đến thời điểm nhập viện, gia đình đã tiêu tốn tổng cộng 2,4 triệu đồng cho việc điều trị bằng loại thuốc này.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng bù dịch, sử dụng insulin cho bệnh nhân để kiểm soát đường huyết. Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã khá hơn, các triệu chứng như khát nước, mệt mỏi được cải thiện.

Trao đổi với Zing, Ths.BS Trần Văn Đồng, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, đái tháo đường là bệnh mạn tính do tuyến tụy tiết insulin không đủ hoặc tế bào mất khả năng sử dụng insulin có sẵn trong cơ thể gây tăng đường huyết.

Bệnh hiện chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, tuân thủ điều trị tốt kết hợp dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn, vận động, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe với bệnh.

Theo bác sĩ Đồng, hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được Bộ Y tế kiểm chứng và cấp phép. Bệnh nhân sau một thời gian sử dụng và ngưng thuốc được bác sĩ kê, khi khám lại mới phát hiện đường huyết tăng cao hoặc xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, suy thận, toan chuyển hóa nặng nề phải lọc máu cấp cứu, thậm chí tử vong vì đến bệnh viện quá muộn.

Do đó, bác sĩ Đồng khuyến cáo khi bị đái tháo đường, bệnh nhân nên đến cơ sở chuyên khoa nội tiết, đái tháo đường để được đánh giá, chẩn đoán và xác định các yếu tố nguy cơ. Từ đó, các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị tổng thể, phù hợp với bệnh nhân.

N.H (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN