Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:38
RSS

Màng bọc thực phẩm: 'Điểm mặt' những chất thôi nhiễm nguy hiểm

Thứ hai, 02/04/2018, 10:34 (GMT+7)

Các chất hóa học trong màng bọc thực phẩm khi tích tụ trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép, biến chất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Nói tới màng bọc thực phẩm hầu hết các bà nội trợ ai cũng cho rằng sản phẩm này vô cùng tiện lợi trong việc bảo quản thức ăn. Đáp ứng nhu cầu này các nhà sản xuất đã đưa ra rất nhiều mẫu mã đa dạng.

Tuy nhiên, màng bọc thực phẩm làm từ chất liệu PVC có thể thôi ra chất Di-ethylhexyl phthalate (DEHP) hay Di-ethylhexyl adipate (DEHA), Diisononyl phthalate (DINP), Biphenol A (BPA),… Đây là các chất được sử dụng làm chất hóa dẻo cho nhựa. Do đó, khi sử dụng màng co PVC để bao gói các thực phẩm không phù hợp hoặc sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ thôi nhiễm các chất độc hại vào thực phẩm.

Báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, dựa trên một số bài nghiên cứu khoa học của các Tổ chức y tế, các chuyên gia và các nhà khoa học đã chỉ ra rằng các chất nguy hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, có thể thôi nhiễm từ sản phẩm màng bọc thực phẩm bằng nhựa PVC.

Màng bọc thực phẩm nguy hiểm
Màng bọc tiếp xúc với các thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ hoặc nhiệt độ cao sẽ thôi nhiễm ra thực phẩm và gây nguy hiểm cho người sử dụng

Cụ thể, đó là các chất hóa dẻo (DEHP, DEHA) được cho vào trong cho màng bọc bằng nhựa PVC. Các chất này khi tích tụ trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép, biến chất có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Khi các màng bọc này tiếp xúc với các thực phẩm giàu chất béo, dầu mỡ hoặc nhiệt độ cao, các chất làm dẻo (DEHA, DEHP) này sẽ thôi nhiễm ra thực phẩm và gây ô nhiễm thực phẩm và qua đường ăn uống đi vào cơ thể con người. Các chất DEHA, DEHP tích tụ trong cơ thể con người sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm trẻ em gái phát triển sớm và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở trẻ em trai. Về khả năng gây ung thư thì theo Tổ chức nghiên cứu quốc tế về Ung thư (IARC) xếp vào hạng 3 tức chưa có bằng chứng gây ung thư cho người.

Bisphenol A (BPA) là một chất hóa học khác được sử dụng trong màng bọc thực phẩm, túi nhựa, hộp nhựa... Theo các chuyên gia sức khỏe, hóa chất độc hại nhất trong màng bọc thực phẩm là Bisphenol A (BPA), vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chất dẻo từ nhựa. Trong cơ thể, chất này gây ảnh hưởng tới hóc-môn estrogen ở nữ giới.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã phát hiện mối liên hệ giữa BPA với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và quá trình dậy thì sớm bất thường. Đó là ý kiến giáo sư Andrea Gore – ngành dược học tại Đại học Austin (Mỹ), người đã nghiên cứu những ảnh hưởng của hóa chất từ nhựa với chức năng sinh sản. Theo Tổ chức Môi trường California, trong chương trình thí nghiệm với động vật, chỉ cần một hàm lượng nhỏ BPA cũng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm dị tật bẩm sinh ở con đực và cơ quan sinh sản ở con cái.

Màng bọc thực phẩm nguy hiểm
Màng bọc bằng chất liệu PVC chỉ an toàn khi dùng ở nhiệt độ dưới 81 độ C

Polyvinyl Chloride (PVC) là loại nhựa mềm và dẻo được sử dụng để sản xuất bao bì thực phẩm trong suốt, chai đựng dầu ăn, đồ chơi, màng bọc thực phẩm và rất nhiều sản phẩm khác. PVC khá phổ biến nhưng chúng có chứa 2 loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến hóc-môn cơ thể. Chất này có thể giải phóng chất độc khi ở nhiệt độ cao, nên chỉ được phép đựng thực phẩm hoặc đồ uống dưới 81 độ C.

PVC được làm từ nhựa vinyl clorua, được liệt kê như một chất gây ung thư của con người và được Tổ chức nghiên cứu quốc tế về Ung thư (IARC) xếp vào hạng 3.

Một số màng bọc thực phẩm chứa các chất hóa học như Phthalates và DEHA khi gặp nhiệt độ cao, các chất này sẽ tan chảy và biến thành chất gây ung thư vô cùng nguy hiểm, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hóc-môn của cơ thể con người. Vì thế, hâm nóng thức ăn khi còn màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng là một sai lầm cần phải loại bỏ ngay lập tức.


Xem thêm: Tài xế bẻ lái cứu 2 cô gái ở Hải Phòng phải bồi thường số tiền 240 triệu đồng đầu tiên

Hùng Cường
Theo VietQ