Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:11
RSS

Lý do khiến lương hưu của người lao động thấp, phải chạy xe ôm kiếm sống

Thứ tư, 26/10/2022, 15:02 (GMT+7)

Không chỉ tiền lương công chức, viên chức, lương dành cho lao động về hưu cũng đang thấp, không đủ đáp ứng đời sống khi về già. Nguyên nhân vì sao, giải pháp nào để cải thiện vấn đề này?

Lương hưu thấp, chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập

Sau 25 năm làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Văn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định về hưu sớm do sức khỏe không đảm bảo. Về hưu sớm, chưa đủ tuổi (54 tuổi) nhưng do sức khỏe suy giảm tới 81% nên ông xin công ty nghỉ việc.

"Tôi đã rất chán nản bởi tháng đầu tiên nhận quyết định hưởng lương hưu cầm số tiền 1,6 triệu đồng và không biết làm gì cả. Sau 25 năm cống hiến, số tiền tôi nhận được về già không đủ để mua đồ ăn", ông Tài chia sẻ.

Lý do khiến lương hưu của người lao động thấp

Lương hưu thấp khiến nhiều lao động dù về hưu nhưng vẫn phải làm thêm để mưu sinh. Ảnh: N.T

Mức lương hưu mà ông Tài nhận được chỉ ngấp nghé mức thu nhập để đánh giá chuẩn nghèo của thành phố và thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng tại Hà Nội (4.160.000 đồng/tháng).

Ông Tài cho biết, thu nhập của ông lúc còn đi làm không hề thấp. Tiền lương tháng cao nhất cũng được từ 8-9 triệu đồng/tháng, tháng nào ít tăng ca cũng được 7-8 triệu đồng, nhưng vì công ty không đóng BHXH trên tổng thu nhập nên lúc về hưu lương thấp. Đó là chưa kể ông về hưu trước tuổi.

Để ổn định cuộc sống, có tiền lo ăn uống sinh hoạt cho 2 ông bà phải làm thêm. Vợ ông phải ngồi vỉa hè bán nước chè, bán thêm mấy bó rau, củ, còn ông thì sáng sáng dắt xe máy chạy xe ôm.

"Tuổi già, sức khỏe yếu nhưng không làm thì không đủ ăn nên vợ chồng tôi vẫn phải bươn chải. Mỗi tháng cũng kiếm thêm được 4-5 triệu đồng, chi tiêu chắt bóp lắm mới đủ ăn uống sinh hoạt", ông Tài nói.

Nỗi niềm của ông Tài cũng là nỗi trăn trở của hầu hết các lao động về hưu "non" và phải nhận mức lương hưu như ông. Theo tính toán, nếu tới đây Nhà nước tăng lương cơ sở, thì tiền lương hưu của những người như ông Tài cũng có thể được tăng thêm vài trăm nghìn. Số tiền không lớn nhưng "có còn hơn không".

Doanh nghiệp đang "chẻ" nhỏ tiền lương để giảm đóng BHXH

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Vấn đề xã hội Quốc Hội (Ủy Ban xã hội) thì nguyên nhân chính dẫn tới việc một bộ phận người về hưu nhận lương hưu thấp là do thời gian dài chúng ta quy định việc đóng BHXH dựa trên một nền tiền lương và nền tiền lương ấy quá thấp.

"Nguyên tắc của BHXH là có đóng có hưởng, đóng thấp hưởng thấp, đóng cao hưởng cao, không đóng không hưởng. Vì thế nếu anh đóng ít thì hưởng ít là đương nhiên", ông Lợi nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lợi, vấn đề này không phải là lỗi của người lao động, đây một phần là do cơ chế đóng hưởng BHXH trước đây, một phần là do các doanh nghiệp "lách luật" trong việc thực hiện đóng BHXH. Nhiều doanh nghiệp chia nhỏ phần thu nhập để giảm tiền lương, căn cứ đóng BHXH.

Lý do khiến lương hưu của người lao động thấp

Lương hưu thấp là do doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động trên nền tiền lương thấp. Ảnh: N.T

Thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp nước ngoài) đang chấp hành tốt việc đóng BHXH dựa trên nền tiền lương và các khoản thu nhập cố định. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong nước thì việc chấp hành pháp luật về BHXH lại thường không cao. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn nợ đóng, chậm đóng BHXH.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thì cho rằng có thực trạng này bởi vì thực tế các doanh nghiệp đang xây dựng 2 thang bảng lương. Một bảng lương để đóng BHXH còn một bảng lương khác là lương thực trả cho lao động.

Theo quy định, tỉ lệ đóng vào quỹ BHXH là 32% tiền lương, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5% (chiếm 2/3 chi phí đóng vào quỹ BHXH) người lao động đóng 10,5%.

Chính bởi vậy, việc "chẻ" bảng lương khiến doanh nghiệp phải đóng BHXH thấp hơn. Đó là chưa kể, dù từ năm 2018 dù đã có quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động, nôm na là doanh nghiệp sẽ đóng BHXH cho người lao động theo thu nhập thực tế, nhưng việc này đã không được thực hiện.

Văn bản về quy trình thu các khoản BHXH năm 2017 của BHXH Việt Nam thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác. Trong đó đưa ra 15 khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc như: Tiền thưởng theo kết quả sản xuất, kinh doanh, thưởng sáng kiến, tiền ăn, xăng xe, điện thoại, nhà ở, giữ trẻ, nuôi con, tiền sinh nhật... 

"Những quy định này có lợi cho doanh nghiệp, điều này khiến cho lương chính thì biến thành lương phụ, phụ cấp và thu nhập bổ sung lại biến thành lương chính", ông Huân nói.

Bà Lý Hoàng Minh - Phó trưởng Phòng Hưu trí, ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng nguyên nhân lương hưu của nhiều người lao động ở mức thấp là do doanh nghiệp "chẻ" thu nhập, rồi thỏa thuận tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH với người lao động.

"Trách nhiệm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động chiếm 2/3 tổng số tiền phải đóng BHXH dẫn đến các doanh nghiệp cố lách luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động", bà Minh nói.

Minh Nguyệt
Theo báo Dân Việt