Đóng đủ 10 năm BHXH là được hưởng lương hưu
Dự thảo sửa đổi Luật BHXH lần này tập trung sửa đổi những điểm còn tồn tại, hạn chế trong chính sách về BHXH hiện nay. Một trong điểm mới nổi bật chính là đề xuất những quy định mới trong việc tính lương hưu và số năm đóng BHXH tối thiểu để nhận lương hưu. Cụ thể, dự thảo quy định rút bớt số năm đóng BHXH, chỉ cần đóng đủ 10 năm là có thể nhận lương hưu.
Nếu Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, lao động đủ tuổi về hưu có số năm đóng BHXH đủ 10 năm có thể nhận lương hưu. Ảnh: N.T - Công nhân làm việc tại công trình Tàu điện ngầm Hà Nội.
Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng có điều kiện và khả năng như chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có ký hợp đồng lao động.
Điều chỉnh quy định điều kiện hưởng BHXH một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp; Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.
Trong lần sửa này, Bộ LĐTBXH cũng đề nghị bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần theo hướng: Nếu thời gian đóng trước ngày 1/1/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi cũng có cân nhắc lại mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Dự thảo hướng tới việc sửa đổi tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (trước khi đi chưa tham gia BHXH)…
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung vừa ký Tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ LĐTBXH cũng đã đăng tải thông tin trên trang Website của Molisa.gov.vn. Thời gian lấy ý kiến từ 16/4 đến hết 16/6/2021. Theo đó, dự thảo sửa đổi Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua trong các kỳ họp năm 2022 và 2023. Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2024. |
Lần này, dự thảo cũng bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu; sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, quy định về tuổi nghỉ hưu...
Quy định chi tiết hơn về chế độ ốm đau. Bộ phận soạn thảo đã đề nghị bổ sung quy định chi tiết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (theo năm tương đồng với ốm đau thông thường).
Lao động ủng hộ giảm năm đóng BHXH để nhận lương hưu
Mặc dù Dự thảo Sửa đổi Luật BHXH mới trong quá trình lấy ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ nhưng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người lao động, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực.
Lao động Nguyễn Thụy Anh - Công nhân sản xuất linh kiện điện tử trong Công ty Canon Việt Nam cho biết: "Nếu được giảm thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu thì tôi rất vui mừng. Bản thân tôi và các công nhân nữ ở khu công nghiệp đều không chắc mình có thể làm tới lúc nghỉ hưu được không, khi mà tuổi nghỉ hưu bị nâng lên, tuổi nghề của lao động nữ làm công nhân ở các khu công nghiệp thì quá ngắn".
Chị Thụy Anh chia sẻ, nhiều công nhân nữ ở khu công nghiệp chỉ làm được 10-15 năm thôi là phải nghỉ việc rồi. Lý do là bởi sức khỏe giảm sút, tuổi tăng lên, khó có cơ hội xin việc nếu bị sa thải. Chính bởi vậy, nếu làm tới năm 60 tuổi e là không thể.
Tuy nhiên, chị Thụy Anh cũng băn khoăn, nếu như giảm số năm đóng BHXH nhận lương hưu nhưng chị vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì liệu có được nghỉ hưu không?
Tương tự, anh Vũ ĐÌnh Thụ - Công nhân Công ty FeCon Việt Nam cho rằng, lao động làm trong ngành xây dựng là ngành đặc thù, có nguy cơ cao tai nạn lao động. Vì thế anh không biết là năm mình 55 tuổi còn có thể tham gia lao động, leo trèo giàn giáo được không. Nếu rút bớt thời gian đóng BHXH xuống thì anh hy vọng khi về hưu đủ tuổi, anh sẽ có đủ số năm hưởng lương hưu.
Lao động Vũ Đình Thụ, mong muốn Luật BHXH sửa đổi sẽ giảm thời gian đóng BHXH để lao động đủ tuổi về hưu, chưa đủ số năm đóng BHXH như hiện nay được nhận lương hưu. Ảnh: N.T
Chính sách Luật BHXH không cho phép lao động về hưu nếu chưa tham gia BHXH đủ năm, và chưa đủ tuổi. Nếu chưa đủ năm đóng BHXH chưa đủ tuổi, lao động muốn về hưu thì sẽ bị trừ tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu, trừ lao động làm trong một số ngành đặc thù được về hưu trước tuổi là 5 năm.
Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, việc giảm thời gian đóng cho lao động được nhận lương hưu là nhân văn phù hợp. Thực tế, có nhiều lao động tham gia đóng BHXH muộn, khi thừa tuổi về hưu mà số năm đóng BHXH chưa đủ thì nên được giải quyết để về hưu vì có thể họ đã không còn đủ sức khỏe để lao động. Giảm số năm đóng BHXH về hưu còn tạo ra động lực, khuyến khích lao động tham gia BHXH nhiều hơn.