Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:26
RSS

Lùm xùm vụ BOT Cai Lậy: Số phận đang chờ Bộ GTVT định đoạt

Thứ bảy, 19/08/2017, 07:55 (GMT+7)

Theo phía nhà đầu tư, vị trí đặt BOT Cai Lậy đều do Bộ GTVT lựa chọn. Nhà đầu tư chỉ việc đem hồ sơ đến ngân hàng... vay vốn.

Liên quan đến vụ lùm xùm ở BOT Cai Lậy trong thời gian gần đây, nhiều vấn đề của trạm thu phí này vẫn chưa được giải quyết thật sự triệt để cho dù phía Bộ GTVT đã mở một cuộc họp báo để giải quyết những vấn đề xung quanh BOT này.

Được biết, năm 2009 Bộ giao thông Vận tải cho khảo sát, lập đề cương làm tuyến đường tránh với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Năm 2013, nhà đầu tư xin sửa chữa Quốc lộ 1 với kinh phí 300 tỷ đồng và bổ sung luôn vào dự án đường tránh.

Lùm xùm BOT Cai Lậy

Lùm xùm BOT Cai Lậy đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Ảnh Dân Trí

Hiện trạm thu phí đặt trên QL1, thu phí cả xe qua quốc lộ và tuyến tránh. Điều này khiến tài xế bức xúc đòi di dời trạm vào tuyến tránh, vì đây mới là đường được đầu tư mới. Theo các tài xế, tuyến quốc lộ họ đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm nên không có lý gì phải đóng phí ở trên tuyến đường này nữa.

Theo ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (Chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy) cho biết, khi bắt đầu tham gia dự án, mọi hồ sơ, pháp lý đã được hoàn tất nên không biết các hoạt động trước đó. Việc vị trí đặt trạm hay dự kiến lượng xe đêu do phía Bộ GTVT cung cấp, còn phía nhà đầu tư chỉ việc mang hồ sơ đến ngân hàng... vay tiền.

Phía chủ đầu tư cũng đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan và hiện tại chỉ đang trông chờ vào quyết định từ phía Bộ GTVT về “số phận” của BOT Cai Lậy.

BOT Cai Lậy

Tài xế dùng tiền lẻ để mua vé qua BOT Cai Lậy. Ảnh Vnexpress

Trong một diễn biến khác, một lãnh đạo của tỉnh Tiền Giang cho biết, việc xây dựng tuyến đường tránh xuất phát từ việc kẹt xe các ngày cao điểm ở ngã tư huyện Cai Lậy nên UBND tỉnh có đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT xem xét làm đường tránh này. Phía tỉnh Tiền Giang có đề xuất xây dựng tuyến đường tránh bằng ngân sách nhà nước, thế nhưng không hiểu sao sau đó Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Cũng theo thông tin từ phía vị lãnh đạo này, phía tỉnh Tiền Giang chỉ tham gia giải tỏa mặt bằng, dự án trên là của Bộ GTVT, các khâu từ vị trí đặt trạm thu phí, giá thu phí, chủ đầu tư là ai thì không biết.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN