Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:13
RSS

BOT Cai Lậy: Vì sao 2 cây cầu lại biến thành cống?

Thứ năm, 17/08/2017, 12:12 (GMT+7)

Chuyển 2 cây cầu thành cống, chủ đầu tư BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nói do gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng nên huyện kiến nghị lên Bộ GTVT cho làm cống.

Mấy ngày qua, sau khi Dân Việt đưa tin về việc dự án tuyến tránh Cai Lậy "biến mất" 2 cây cầu so với quyết định phê duyệt dự án ban đầu, dư luận đã đặt ra nhiều dấu hỏi. Theo phản ánh trước đó, trong dự án nghìn tỷ này có 7 cây cầu được xây mới, nhưng qua khảo sát thực tế của PV, đoạn đường này chỉ có 5 cây cầu.

BOT Cai Lậy, BOT Cai Lay

Cầu Chín Chương được nhà đầu tư BOT Cai Lậy chuyển thành cống và không có bảng tên.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH BOT Cai Lậy (đơn vị đầu tư dự án đường tránh thị xã Cai Lậy) đã có những lý giải xung quanh thông tin hai cây cầu ở đường tránh bỗng dưng biến mất. Theo ông Hiệp, ngày 19/12/2013 Bộ GTVT đưa ra Quyết định phê duyệt dự án đầu tư công trình quốc lộ 1 và đoạn tránh thị xã Cai Lậy với 7 cây cầu xây mới.

"Tuy nhiên trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, địa phương đã đề xuất chuyển đổi 2 cây cầu gồm Ông Thiệm và Chín Chương thành cống hộp. Cái này có văn bản phê duyệt, chấp thuận từ Bộ (Bộ GTVT - PV) hết rồi, điều chỉnh công năng cụ thể", ông Hiệp khẳng định.

Ông Hiệp cũng cung cấp thêm thông tin, Bộ cho làm cống nhưng theo hợp đồng BOT số 43/HĐ.BOT-BGTVT được ký vào tháng 8/2014 do chính Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký, nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 (TRICO) cùng Công ty TNHH đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang. Cả 7 cây cầu đều có tên trong hợp đồng và dự án này và điều đáng chú ý là không có cái nào được gọi là cống. 

Theo thông tin mới nhận, vào lúc 15h chiều nay (17/8), Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc họp báo về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy (Tiền Giang) - dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức BOT. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp báo này.

Trước đó, trong cuộc họp nhanh sáng 16.8 sau khi có văn bản báo cáo từ Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, Bộ đã thống nhất phương án giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy

Theo đó, loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 25.000 đồng/lượt.

Loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) giảm từ 50.000 đồng xuống còn 35.000 đồng/lượt.

Loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn giảm từ 60.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/lượt.

Loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) giảm từ 100.000 đồng xuống còn 70.000 đồng/lượt.

Loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet) giảm từ 180.000 đồng xuống còn 140.000 đồng/lượt; Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này.

Thời gian áp dụng mức phí mới bắt đầu từ ngày 21/8.

Ngoài ra, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Thời gian áp dụng trước ngày 10/9.

Bộ GTVT cũng thống nhất, trước ngày 25/8, UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo các cơ quan chức năng thống kê lượng xe được giảm, miễn phí dịch vụ. Đồng thời, cơ quan chức năng phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông tại trạm BOT Cai Lậy, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật

Hữu Danh
Theo Dân Việt