Thứ ba, 21/01/2025 | 00:58
RSS

Loại bỏ phương thức xét tuyển gây nhiễu hệ thống

Thứ sáu, 02/08/2024, 06:59 (GMT+7)

Mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2024, hơn 733.000 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển qua cổng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Loại bỏ phương thức xét tuyển gây nhiễu hệ thống

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH.

 6 đợt thanh toán lệ phí xét tuyển

Trước đó, năm 2023, có hơn 660.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Năm 2022, Bộ GDĐT ghi nhận hơn 616.000 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển ĐH, chiếm tỉ lệ 64,1% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
 
Ghi nhận tại nhiều trường ĐH, số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng cao so với năm 2023. Đơn cử tại Trường ĐH Công Thương TPHCM (HUIT) ghi nhận khoảng 50.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng, nhiều hơn gấp đôi so với năm ngoái. Điều này dự báo điểm chuẩn có thể sẽ cao hơn.
 
Theo lịch tuyển sinh, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, tất cả thí sinh sẽ nộp lệ phí nguyện vọng trực tuyến. Sau đó Bộ GDĐT sẽ lọc ảo trước khi trả kết quả cho các trường ĐH.
 
Để tránh hiện tượng quá tải, Bộ GDĐT chia thành 6 đợt để thí sinh các tỉnh thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2024. Đây là quy định mới giúp đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh trong quá trình thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến.
 
Sau khi thanh toán thành công, thí sinh được xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí (biên lai thu lệ phí thí sinh có thể xem trên hệ thống xét tuyển sau ngày 6/8). Trường hợp nhận được thông báo giao dịch thất bại, thí sinh có thể thực hiện lại trên kênh thanh toán đó hoặc chuyển sang lựa chọn kênh thanh toán khác.
 
Đề xuất “theo vết” sinh viên
 
Theo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non do Bộ GDĐT ban hành có quy định chi tiết danh mục 20 phương thức xét tuyển ĐH năm 2024. Mỗi trường lựa chọn các phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó không ít trường đưa ra các phương án xét tuyển sớm để thí sinh chắc suất vào ĐH, giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
 
Để đảm bảo công bằng, minh bạch, tất cả nguyện vọng của thí sinh bắt buộc phải đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh chung của Bộ GDĐT hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia, bao gồm cả các nguyện vọng đã đỗ theo các phương án xét tuyển sớm tại các trường. Với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, các thí sinh không cần lựa chọn phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển, chỉ cần chọn ngành và trường mà mình mong muốn. Hệ thống sẽ lựa chọn phương án có lợi nhất cho thí sinh.
 
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi, các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời.
 
Bộ GDĐT cũng khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội Mặt khác, hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Đặc biệt khi đưa vào hệ thống Hemis - cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH, sự kết nối của cơ sở dữ liệu này đã giúp các trường ĐH, các cơ quan quản lý tiếp cận dữ liệu nhanh chóng, công khai, minh bạch hơn.
 
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh việc ứng chuyển đổi số vào tuyển sinh đã giảm phiền hà cho thí sinh và cơ sở đào tạo; tạo công bằng, minh bạch với xã hội. “Hết năm 2024, chúng ta trải qua chu kỳ 10 năm, trong đó có nhiều điểm mới được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, nổi bật là công tác tuyển sinh ngày càng thuận tiện, đánh giá được năng lực học tập của học sinh” - ông Sơn cho biết.
 
Liên quan tới vấn đề xét tuyển sớm, Thứ trưởng yêu cầu, mỗi đơn vị cùng nhìn nhận rõ vấn đề, thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục ĐH nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu. Đặc biệt chú ý đến những nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.
Hàn Minh
Theo báo Đại Đoàn Kết