Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:25
RSS

Không thu tiền giữ chỗ xét tuyển đại học sớm

Thứ sáu, 10/05/2024, 07:02 (GMT+7)

Bộ GDĐT cho phép các trường ĐH tổ chức xét tuyển sớm thông qua các phương thức tuyển sinh như: Xét học bạ, xét chứng chỉ, xét kết hợp, xét điểm thi đánh giá…, trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Không thu tiền giữ chỗ xét tuyển đại học sớm

Thí sinh tìm hiểu về trường học, ngành học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2024. Ảnh: UNETI.

Đối với việc tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm, Bộ GDĐT yêu cầu, các trường cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống chậm nhất vào 17 giờ ngày 10/7/2024.

Các nhà trường có trách nhiệm thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, trừ điều kiện tốt nghiệp THPT để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống. Bộ GDĐT nhấn mạnh: Các trường tuyệt đối không được xét tuyển lại (tăng hoặc giảm điểm trúng tuyển để loại bớt hoặc tăng thêm thí sinh). Tất cả thí sinh trúng tuyển sớm phải được đưa lên hệ thống để xử lý nguyện vọng nếu thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Bộ GDĐT lưu ý, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà trường phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, hiện tại chưa có minh chứng thuyết phục về sự công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Vì vậy, các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng giữa kết quả tuyển sinh giữa các phương thức và kết quả học tập của sinh viên để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong việc này, cần sử dụng nhiều công cụ, phương pháp so sánh. Điều này không chỉ làm cho Bộ, cho thí sinh, mà trước hết cho các trường ĐH.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra, nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường ĐH đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển ĐH mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn. Thống kê sơ bộ cả nước hiện có 214/322 cơ sở đào tạo công bố nhận hồ sơ xét tuyển sớm.

Theo yêu cầu của Bộ GDĐT, thí sinh tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển có điều kiện ở một số trường ĐH, thì vẫn cần đăng ký nguyện vọng một cách chính thức trên hệ thống của Bộ GDĐT. Nếu không đăng ký, các em sẽ lỡ cơ hội vì chưa trúng tuyển chính thức. Khi đăng ký lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT, thí sinh sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất theo mong muốn cũng như thực lực của các em.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội khuyến cáo, thí sinh khi tham gia xét tuyển sớm dù được trường ĐH công bố đủ điều kiện trúng tuyển thì các em vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GDĐT, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho hay, ở mùa tuyển sinh năm 2023, có trên 375.500 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển qua các phương thức xét tuyển sớm nhưng chỉ có trên 147.000 thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 1 và trúng tuyển sau lọc ảo. Điều này cũng đồng nghĩa chỉ có khoảng 39,2% thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm quyết định nhập học bằng phương thức này.

Trước đó, tại Hội nghị tuyển sinh năm 2024, Vụ Giáo dục ĐH đã tổng hợp và so sánh tổng điểm thi 3 môn ở 5 khối xét tuyển ĐH truyền thống (A00, A01, B00, C00, D00) năm 2023 với điểm học bạ của 2 nhóm thí sinh này. Cụ thể, 60% thí sinh trúng tuyển ĐH bằng học bạ có tổng điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp 3 môn khoảng 20 điểm. Còn 60% thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi có tổng điểm tổ hợp 3 môn hơn 23 điểm. Như vậy, chênh lệch giữa 2 nhóm thí sinh này khoảng 3 điểm.

Vi Cầm
Theo báo Đại Đoàn Kết