Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo đó, các trường thông báo không sử dụng điểm học bạ để xét tuyển trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024 bao gồm: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội,… và mới đây nhất là Trường Đại học Sài Gòn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VietNamNet, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mặc dù việc xét tuyển đại học căn cứ vào học bạ có thể “nhàn hạ” cho các trường và dễ tuyển sinh, tuy nhiên chất lượng đầu vào rất đáng trăn trở.
Ông Đức nhấn mạnh, việc tuyển sinh đại học thông qua học bạ khó đảm bảo công bằng. Nguyên nhân là do chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau; bên cạnh đó đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau, truyền thống và uy tín… cũng khác nhau, do đó mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.
Bày tỏ quan điểm việc không xét tuyển bằng điểm học bạ, TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thông tin trên Báo pháp luật Việt Nam, những trường Đại học bỏ xét tuyển bằng học bạ là những trường có uy tín, có sự cạnh tranh rất cao. Đã có những trường Đại học khảo sát cho thấy những sinh viên xét tuyển bằng điểm học bạ cao, quá trình học thường không được tốt như kỳ vọng. Như vậy, rõ ràng việc dùng điểm học bạ để xét tuyển vào các ngành/trường có mức điểm chuẩn 27 - 29 là không đủ độ tin cậy.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Lao Động, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiều lần bày tỏ e ngại về tiêu cực trong việc chấm điểm, thậm chí xuất hiện cả tình trạng mua điểm. Điều này dẫn tới việc khó kiểm chứng năng lực thực tế của học sinh.
Theo ông Khuyến, thực tế hiện nay, chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh. Theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kì thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời việc bỏ xét học bạ không làm giảm cơ hội vào đại học hay thiệt thòi cho thí sinh
Trong điều kiện hiện nay, ông Khuyến cho rằng, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức rất chặt chẽ, nghiêm túc. Việc các trường xét tuyển học bạ THPT cơ bản vẫn sẽ phù hợp với một số nhóm trường nhất định, như các trường đại học top giữa hoặc top dưới.
Tính đến thời điểm này, có 180 trường đại học đã công bố sử dụng kết quả học tập (học bạ) THPT để xét tuyển năm 2024. Trong đó, có các trường đại học có tiếng như: Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM; Trường Đại học Luật TPHCM; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,... Khối trường kinh tế, y dược, sư phạm đều thông báo sử dụng học bạ THPT để xét tuyển. Đáng chú ý, năm 2024 là năm đầu tiên khối trường quân đội tuyển sinh bằng học bạ (trừ Học viện Kỹ thuật Quân sự và Học viện Quân Y). Chỉ tiêu dành cho phương thức này khoảng 10%. |