Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:06
RSS

Lộ diện những trạm BOT có doanh thu cao nhất cả nước

Chủ nhật, 21/02/2021, 06:08 (GMT+7)

Cả năm 2020, dự án BOT đạt doanh thu cao nhất là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (2 trạm trên QL5 cũ và thu phí trên cao tốc), đây là dự án đứng tốp đầu về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2020, trên cả nước có 62 dự án BOT giao thông đường bộ do Bộ GTVT quản lý đã thu phí đạt hơn 12.636 tỷ đồng. Trong dó, dự án BOT đạt doanh thu cao nhất là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (2 trạm trên QL5 cũ và thu phí trên cao tốc), với tổng số thu 2.339 tỷ đồng (trong đó riêng cao tốc thu 1.474 tỷ đồng).

Xếp sau vị trí số 1 nêu trên là dự án BOT nâng cấp mở rộng QL51 (3 trạm thu phí) với tổng thu 782 tỷ đồng. Dự án BOT nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu hơn 719 tỷ đồng.


Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Tiếp đó là dự án BOT hầm Đèo Cả (3 trạm thu phí gồm An Dân, Đèo Cả, Cù Mông) thu hơn 598 tỷ đồng; BOT Hà Nội - Bắc Giang thu hơn 448 tỷ đồng; BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia thu hơn 381 tỷ đồng;

BOT cầu Đồng Nai mới thu hơn 368 tỷ đồng; BOT nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai với số thu hơn 341 tỷ đồng; BOT QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát thu hơn 315 tỷ đồng; BOT tuyến tránh TP Vinh và nâng cấp QL1 đoạn Bến Thuỷ - Hà Tĩnh thu hơn 311 tỷ đồng…

Cùng với đó, còn có 8 dự án BOT đường bộ đang tạm dừng thu phí, gồm: Dự án đầu tư QL1A đoạn tránh TP.Thanh Hóa; Dự án đầu tư xây dựng QL1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh; Dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang); Dự án cầu Đồng Nai; Dự án cải tạo nâng cấp QL10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Thái Bình) và Tuyến tránh Đông Hưng; Dự án nâng cấp, cải tạo QL1K (đoạn Đồng Nai – TPHCM); Dự án Cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên; Dự án sửa chữa QL 20.

Hiên nay, Bộ GTVT đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng tại hơn 100 trạm thu phí trên cả nước để phục vụ các phương tiện.


Dự án thu phí tự động không dừng bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).

Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC.

Thế Anh
Theo Dân Việt