Thứ năm, 21/11/2024 | 22:03
RSS

“Lấy chồng thì phải theo chồng, đừng đòi hỏi chuyện về nhà ngoại ăn Tết"

Thứ sáu, 23/12/2016, 10:36 (GMT+7)

Chẳng biết nghe ai kích động, xúi giục mà vợ tôi cứ nằng nặc đòi về ngoại từ 30 Tết. Tôi nói nhưng cô ấy không nghe mà tỏ ra ương bướng, thách thức. Vì thế, trong lúc bực bội, tôi đã đánh cô ấy để dạy dỗ".

Vợ tôi là một người có ngoại hình dễ nhìn, đoan trang, mẫu mực, cô ấy học rộng, biết nhiều, là phó giám đốc của một công ty về xuất nhập khẩu. Còn tôi là một công chức nhà nước, không tài giỏi, cũng chẳng lắm tiền nhiều của, nhưng “rất giỏi” trong việc lúc nào cũng khiến vợ phải ghi nhớ trong đầu cái câu: “Đã lấy chồng thì phải theo chồng”.

Có người nghĩ tôi gia trưởng, nhưng tôi thấy điều đó là bình thường. Là phụ nữ thì phải có trách nhiệm chăm lo cho gia đình nhà chồng, cho cái gia đình nhỏ mà mình đang sinh sống đã rồi muốn làm gì mới được làm. Phụ nữ bao đời vẫn vậy, tôi cũng có đi ngược lại đâu? Chỉ có ai chiều vợ quá, không biết dạy vợ, mới làm vợ sinh hư thôi.

Lúc đầu mới cưới về, vợ tôi cũng “cành cao lá ngọc”, cũng có ý định “vùng lên” để đòi hỏi quyền lợi và sự công bằng đấy, nhưng tôi đã thuộc lòng câu “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về”  rồi, nên cô ấy cũng chẳng làm được gì.

Bây giờ cô ấy đã khác hẳn, đến bố mẹ cô ấy cũng còn kinh ngạc. Vợ nghe lời tôi răm rắp, không dám lên tiếng đòi hỏi bất cứ cái gì và khi tôi đã quyết điều gì thì cô ấy chớ “dại” mà cãi lại.

chuyện ăn Tết nội ngoại1

Chuyện ăn Tết nội ngoại khiến nhiều cặp vợ chồng cãi nhau

Ngay cả chuyện ăn Tết cũng vậy. Tôi có nhà cửa và sinh sống ở Hà Nội nhưng quê gốc của tôi ở Bắc Ninh, còn vợ tôi quê Hải Phòng. Bố mẹ tôi có 3 người con, 2 trai, 1 gái, còn bố mẹ cô ấy chỉ có 2 cô con gái, cô ấy là chị cả.

Nhưng ngay từ năm đầu tiên mới cưới, tôi đã nói rõ ràng với vợ và cả bố mẹ vợ rằng, sẽ không có chuyện vợ tôi được về nhà ngoại ăn Tết, vì phận làm dâu thì phải lo lắng chu toàn cho công việc nhà chồng và các ngày lễ Tết thì càng không thể bỏ bê được.

Chính vì thế, hai năm đầu tiên, vợ chồng tôi đều về Bắc Ninh ăn Tết với bố mẹ tôi. Đến khoảng mùng 4, khi khách khứa Tết nhà tôi đã hết, cô ấy mới được về ăn Tết với bố mẹ ở Hải Phòng.

Đến năm thứ 3, không biết nghe ai kích động, xúi giục mà cô ấy cứ nằng nặc đòi về ngoại từ 30 Tết, hoặc ít nhất là sáng mùng 2.

Tôi nói nhưng cô ấy không nghe mà tỏ ra ương bướng, thách thức, thái độ không chấp nhận được. Vì thế, trong lúc bực bội, tôi đã giật tóc tát cô ấy 2 cái để dạy dỗ. Sau đó tôi tuyên bố: "Nếu muốn về thì ở luôn đó, đừng về cái nhà này nữa, con để tôi nuôi”.

Tôi biết, tôi nói cũng có phần nặng lời, thế nhưng không “ác miệng” như thế thì vợ tôi có sợ không, có chịu “xuống nước” không?

chuyện ăn Tết nội ngoại2

Vợ chồng cãi nhau vì ăn Tết ở đâu?

Vợ tôi khóc lóc, giận dỗi chán chê nhưng chẳng lay chuyển được tôi, sau cùng cũng phải nhún nhường xin lỗi và nghe theo lời chồng. Được đà, tôi liền tuyên bố: “Nếu còn mở miệng đòi về ngoại ăn Tết thì sẽ biết hậu quả đau đớn như thế nào đấy”.

Sau đó, tôi cũng gặp hẳn bố mẹ vợ để nói về chuyện chúng tôi đã cãi nhau và tôi đã đánh cô ấy chỉ vì việc đòi về ăn Tết với ông bà ngoại.

Bố mẹ vợ tôi là những người rất hiểu chuyện và phép tắc nên ông bà thấy những lời tôi nói là đúng, cũng rất đồng tình. Ông bà còn điện thoại nhắc nhở vợ tôi rằng: “Đã lấy chồng thì phải nghe chồng, phải toàn tâm toàn ý với gia đình chồng. Không được làm điều gì trái ý mà gia đình lục đục. Như thế bố mẹ cũng không vui chút nào”.

Chính vì thế, từ đó đến giờ, đã hơn 6 năm nay, cô ấy không bao giờ nhắc đến chuyện ăn Tết bên nội hay bên ngoại nữa.

Năm nào cũng như năm nào, cứ được nghỉ là vợ chồng con cái kéo nhau về Bắc Ninh để ăn Tết với ông bà nội. Đến chiều mùng 4 hoặc sáng mùng 5, gia đình tôi mới về ăn Tết với ông bà ngoại khoảng 1-2 ngày rồi đi làm.

Tôi nghĩ rằng, việc sắp xếp như thế là quá hợp lý nên cứ như vậy mà thực hiện, không cần phải bàn đi bàn lại nhiều lần làm gì cho mất thời gian mà lại mệt mỏi.

Với tôi, việc ăn Tết ở nhà nội hay ăn Tết ở nhà ngoại không phải là việc các chị em muốn hay không muốn mà được. Con gái đã gả bán đi rồi thì phải ăn Tết, lo Tết ở nhà chồng. Đó là quy tắc bất di bất dịch, cấm tranh cãi.

Nhân đây tôi cũng khuyên cánh đàn ông rằng, các anh cần phải cứng rắn, quyết đoán và phải có cái uy của mình, chứ không thì các cô vợ sẽ “cưỡi lên đầu lên cổ ngay”, khi đó các anh nên mặc váy cho xong!

*N.H.Q - Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả

L.H (T/h)
Theo Đời sống Plus