Cưới 9 năm không có con, người phụ nữ đi khám phát hiện mình là đàn ông. Ảnh minh họa.
Một người phụ nữ ở Ấn Độ đã kết hôn 9 năm không có con. Cho đến khi đi khám cô mới phát hiện ra sự thật về bản thân mà suốt 30 năm qua, cô không hề hay biết.
Một người phụ nữ 30 tuổi sống ở Birbhum, Ấn Độ đã đến Bệnh viện ung thư Netaji Bubhas Chandra Bose ở thành phố Kolkata khám vì bị đau bụng dưới dữ dội. Được biết, người phụ nữ đã kết hôn 9 năm nhưng mãi không có con và gặp phải tình trạng đau bụng trong vài tháng qua.
Tại đây, bác sĩ ung thư lâm sàng Anupam Dutta cùng bác sĩ phẫu thuật ung thư Soumen Das đã tiến hành xét nghiệm y tế và phát hiện giới tính thực sự của “nữ” bệnh nhân này là đàn ông.
“Từ ngoại hình cho đến giọng nói đều là của phụ nữ. Tuy nhiên, cô ấy không có tử cung và buồng trứng kể từ khi sinh ra. Cô ấy cũng chưa bao giờ có kinh nguyệt”, bác sĩ Anupam nói với báo chí. “Đây là một trường hợp vô cùng hiếm gặp, tỷ lệ gặp phải là 1/22.000”.
Sau khi hoàn tất xét nghiệm, các bác sĩ đã phát hiện ra cô là một người đàn ông bị ung thư tinh hoàn. “Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lâm sàng khi cô ấy than phiền về cơn đau bụng và chúng tôi phát hiện ra cô ấy có tinh hoàn bên trong cơ thể. Sinh thiết đã được tiến hành, kết quả như chúng tôi dự đoán, bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn”, bác sĩ Anupam giải thích.
Hiện tại cô đang được trị liệu và tình trạng sức khỏe không đáng lo ngại. Lý giải về vẻ ngoài cùng giọng nói đầy nữ tính của bệnh nhân, bác sĩ cho biết vì tinh hoàn chưa phát triển nên không tiết ra testosterone, chính điều đó khiến cô có những đặc điểm giống phụ nữ.
“Bệnh nhân đã kết hôn với chồng được hơn 9 năm. Hiện tại chúng tôi đang tư vấn cho bệnh nhân cùng chồng cô ấy tiếp tục cuộc sống như trước kia”, bác sĩ Dutta nói.
Đặc biệt hơn, em gái 28 tuổi và hai người dì của bệnh nhân cũng mắc Hội chứng vô cảm Androgen – tình trạng một người là nam giới nhưng có tất cả đặc điểm thể chất của phụ nữ. Các bác sĩ cho rằng khả năng cao căn bệnh này là do gen di truyền.
Năm 2019, trong chương trình Hello Doctor (Đài Loan), bác sĩ khoa Sản - Trần Bảo Nhân đã chia sẻ rằng, ông từng gặp một bệnh nhân nữ không có kinh nguyệt trong suốt 24 năm. Cô gái đó tên là Tiểu Đào (24 tuổi), cao 1m70 với khuôn mặt ưa nhìn cùng làn da trắng sáng. Khi Tiểu Đào tới gặp bác sĩ Trần Bảo Nhân, cô chia sẻ rằng mình không có kinh nguyệt.
Sau khi làm siêu âm thì bác sĩ đã rất bất ngờ khi thấy cô không có tử cung. Chẩn đoán khu vực bên trong âm đạo chỉ thấy lõm vào một chút, trên 2/3 không phát triển, chiều dài của đáy chỉ có 2cm. Dù cấu trúc sinh lý bất thường là vậy nhưng nó lại không gây ảnh hưởng đến đời sống tình dục nên Tiểu Đào mới càng chủ quan bỏ qua.
Hội chứng không nhạy cảm androgen là một dạng rối loạn di truyền xảy ra trong giai đoạn phát triển các đặc điểm giới tính. Nguyên nhân gây bệnh thường xuất phát từ việc cơ thể không phản ứng với hormone androgen. Những người mắc phải hội chứng này có thể gặp phải tình trạng không có cơ quan sinh dục hay các cơ quan này (dương vật hoặc âm đạo) không phát triển đi kèm với các bất thường khác trong cơ quan sinh sản.
Dù vậy, người mắc phải hội chứng không nhạy cảm androgen vẫn có thể nhờ tới sự trợ giúp từ các nhà tâm lý tư vấn và trong một số trường hợp còn phải điều trị để thay đổi diện mạo của bộ phận sinh dục.
Hầu hết, những người sinh ra với tình trạng này đều không thể có con nhưng họ vẫn sống bình thường, khỏe mạnh.