Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:04
RSS

Lao động đi làm việc ở nước ngoài cảnh giác với bẫy "việc nhẹ, lương cao"

Chủ nhật, 24/04/2022, 07:27 (GMT+7)

Đa phần lao động đi làm việc ở nước ngoài ở Việt Nam là lao động vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhận thức còn nhiều hạn chế. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã thực hiện lừa đảo với chiêu thức “Việc nhẹ, lương cao, phí rẻ".

Áp dụng Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mới đây, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) – Cơ quan Di Cư Liên hợp quốc phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH (DOLAB) tổ chức Tập huấn Hướng dẫn áp dụng Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động. 

Tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của đại diện Sở LĐTBXH và Trung tâm Dịch vụ Việc làm từ 25 tỉnh thành trên cả nước.

Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư là một phần trong nỗ lực hợp tác giữa IOM và Cục Quản lý lao động ngoài nước nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn và phòng chống mua bán người. 

Hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi và các dịch vụ hỗ trợ”, do IOM thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Anh.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài cảnh giác với bẫy việc nhẹ, lương cao

Nâng cao nhận thức là cách để lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn, phòng ngừa lừa đảo.

Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh covid-19 thị trường lao động ngoài nước đang từng bước phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa tiếp nhận lại lao động nước ngoài. Đây cũng là thời điểm lao động Việt Nam đăng ký đi làm việc ở nước ngoài gia tăng. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã lừa đảo việc có thể đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với chiêu thức “Việc nhẹ, phương cao, phí rẻ". 

Ông Đặng Sỹ Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: "Trong hoàn cảnh này, việc phổ biến bộ quy chuẩn nhằm nâng cao nhận thức cho lao động di cư là rất cần thiết.  Điều này cũng góp phần hỗ trợ công tác truyền thông cộng đồng tại địa phương, nhằm khuyến khích người có mong muốn di cư đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương trước nguy cơ mua bán người và nô lệ thời hiện đại, tránh cảnh ‘tiền mất, tật mang’", ông Liêm nói.

Bộ Quy chuẩn cung cấp các khái niệm và phương thức truyền thông cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, các cách lập kế hoạch và xây dựng chiến lược và hoạt động truyền thông phù hợp với tình hình của từng địa phương, cũng như bài học kinh nghiệm từ chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người của IOM trong thời gian vừa qua.

Ông Đặng Sĩ Dũng cho rằng đây là hoạt động ưu tiên thúc đẩy di cư lao động an toàn. Tài liệu được biên soạn dành cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương được soạn thảo cụ thể, đầy đủ như: lập kế hoạch; tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông; tư vấn thực hiện chính sách...

Dự kiến bộ quy chuẩn này sẽ được chính thức áp dụng tại các tỉnh thành vào tháng 5/2022 tới đây.

Tăng cường truyền thông cộng đồng giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn 

Bà Yun Doyen - Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác, IOM Việt Nam, cho biết: “Với việc mở cửa lại biên giới, xu hướng đi lao động nước ngoài của người Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Những thông tin chính thống và đáng tin cậy về di cư an toàn càng trở nên quan trọng trước diễn biến của dịch Covid-19".

Lao động đi làm việc ở nước ngoài cảnh giác với bẫy việc nhẹ, lương cao

Cục quản lý lao động ngoài nước cùng tổ chức IOM đã tổ chức tập huấn phổ biến Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư. Ảnh: Vân Hà

Thông qua chương trình tập huấn, các bên mong muốn cán bộ địa phương làm công tác hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài lao động di cư sẽ được nâng cao nhận thức, tránh được các vụ lừa đảo, nguy cơ buôn bán người và bóc lột lao động.

"Thông qua việc tập huấn nâng cao khả năng truyền thông cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng tôi mong muốn xây dựng và triển khai một cách có hiệu quả kế hoạch truyền thông cộng đồng, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người lao động, giúp đưa ra những quyết định di cư sáng suốt, lựa chọn con đường di cư lao động quốc tế an toàn, hợp pháp", ông Dũng nói.

Theo báo cáo, trung bình mỗi năm Việt Nam đưa hơn 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng trong năm 2020 và 2021, con số này sụt giảm chỉ còn khoảng 1 nửa (hơn 45.000 người) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh những kết quả đạt được, hàng năm vẫn có hàng chục đường dây với hàng trăm lao động bị lừa đảo khi có ý định đi làm việc ở nước ngoài bị phanh phui.

 

Thùy Anh
Theo Dân Việt