Thứ sáu, 26/04/2024 | 02:48
RSS

Lãnh đạo ở Hà Giang có con được nâng điểm nói gì?

Thứ sáu, 19/04/2019, 10:23 (GMT+7)

Trong danh sách thí sinh bị thay đổi điểm có M.V.B.N. - con của một phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang hay con gái của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy.

Theo Tiền Phong, trong danh sách thí sinh bị thay đổi điểm có M.V.B.N. - con của một phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ngay thời điểm xảy ra vụ tiêu cực thi cử vào giữa tháng 7/2018, Tuổi Trẻ đã có trao đổi qua điện thoại với phụ huynh của N. thì vị này nói không muốn sự việc đăng lên phương tiện thông tin đại chúng vì "con đang tuổi nhạy cảm".

Vị này khẳng định không có chuyện can thiệp nâng điểm vì N. là học sinh giỏi nhưng... "điểm chấm lại bị sai sót". Cụ thể sau thẩm định tổng 6 môn của N. tăng lên, trong ba môn xét tuyển thì có một môn "bị sai sót điểm", còn 2 môn khác tăng điểm lên.

Tuy nhiên, theo kết quả chấm thẩm định đã được ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, công bố vào ngày 17/7/2018 thì chỉ có bài thi môn GDCD được chấm tăng so với lần chấm đầu, còn lại chỉ có giảm chứ không có bài thi được tăng điểm.

Một số thí sinh được hưởng điểm "khống" này vẫn theo học tại các trường ĐH bình thường (do mức điểm thi THPT quốc gia thật sau khi trả về của họ vẫn đủ để xét tuyển đại học). Còn lại, những trường hợp điểm thật thấp hơn điểm trúng tuyển thì đang được xử lý để "trả về địa phương". Phần nhiều trong số đó vẫn đang được giữ kín danh tính.

Lãnh đạo ở Hà Giang có con được nâng điểm nói gì?
Ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Ảnh: Internet

Một số cán bộ có con được nâng điểm khi được báo chí hỏi đều phủ nhận việc mình can dự vào sự việc.

Trước đó, khẳng định với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh xác nhận con gái của ông có trong danh sách nâng điểm, nhưng ông không biết và không chỉ đạo việc này. Ông cũng thông tin thêm, con gái ông có kết quả học tập tốt ở trường phổ thông và mức điểm thật cũng lên tới hơn 20 điểm của tổ hợp 3 môn. Ông Vinh suy đoán "có thể người ta mượn cái việc đấy để nâng thêm điểm".

Sau khi chấm thẩm định, số điểm 26 của con ông Vinh giảm xuống còn hơn 24 điểm. "Số điểm này vẫn đủ để đậu ĐH. Từ trước đến giờ tôi không đi xin xỏ cái gì cả, trong việc này cũng thế", ông Vinh nói.

Ông Vinh còn khẳng định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục giải quyết vụ việc, xử lý các tập thể, cá nhân có trách nhiệm một cách thẳng thắn, quyết liệt.

Như Thanh Niên phản ánh, sau khi điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang được công bố, dư luận đặt ra hàng loạt nghi vấn gian lận điểm thi khi ở khối thi A1, Hà Giang có 36 bài thi đạt trên 27 điểm, trong khi cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Như vậy, Hà Giang (với 5.000 thí sinh) chiếm tới gần một nửa số bài thi đạt trên 27 điểm của cả nước.

Kết quả chấm thẩm định lại các bài thi do đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tiến hành ngay sau đó cho thấy, 114 thí sinh với 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với chấm thẩm định.

Cá biệt, có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định. Kết quả này cũng cho thấy có những thí sinh tại Hà Giang có thể trở thành thủ khoa ở các trường đại học thực chất chỉ được 1, 2 điểm, thậm chí 0,75 điểm.

Với việc công nhận kết quả chấm thẩm định thay thế cho kết quả công bố trước đó, có ít nhất hơn 100 thí sinh không chỉ trượt đại học mà còn trượt cả kỳ thi THPT vì bị điểm liệt, bởi có 102 bài thi môn toán còn 1 điểm, 56 bài thi môn hóa chỉ được 0,75 điểm.

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN