Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:45
RSS

Làm thế nào để phân biệt bánh kẹo thật, giả khi mua sắm Tết?

Thứ sáu, 20/01/2023, 13:06 (GMT+7)

Những ngày Tết cận kề, nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng cao. Đây là cơ hội tốt để các loại bánh kẹo giả, kém chất lượng trà trộn vào thị trường. Nếu không để ý kỹ, người dân sẽ dễ mua phải các loại bánh kẹo này để sử dụng, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chính và người thân.

Càng gần Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 thì tại các chợ, nhiều cửa hàng, tiệm tạp hoá trưng bày bánh kẹo càng nhiều, gồm cả hàng trong nước và hàng nước ngoài, kể các có nhiều sản phẩm không có nhãn mác được bán với giá rẻ. Việc sử dụng các sản phẩm bánh kẹo kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Đặc biệt các loại mứt, bánh, kẹo sử dụng nhiều phụ gia, màu thực phẩm không rõ nguồn gốc, liều lượng có nguy cơ gây ung thư Các sản phẩm này thường được nhuộm màu bằng màu thực phẩm tổng hợp, thậm chí bằng màu công nghiệp là các chất cấm sử dụng trong thực phẩm sẽ gây hại hệ tiêu hoá, tác động đến gan, tim,…

Làm thế nào để phân biệt bánh kẹo thật, giả khi mua sắm Tết

Ảnh minh họa

Dưới đây là một số mẹo giúp người tiêu dùng nhận biệt bánh kẹo thật, giả khi mua sắm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân:

Dựa vào tem chống hàng giả

Bạn có thể phân biệt bánh kẹo thật – giả bằng cách kiểm tra tem chống hàng giả trên bao bì sản phẩm. Cụ thể, nếu là hàng thật sẽ có tem chống hàng giả, nếu là hàng nhái chất lượng kém sẽ không có dán tem này. Trong trường hợp tem giả, bạn có thể nhận biết bằng một số cách sau:

Quan sát ở nhiều góc khác nhau: Nghiêng tem ở các góc độ khác nhau. Loại tem thật sẽ có mã vạch phản quang, tem giả phong có điều này. Với loại tem chống hàng giả 7 màu, bạn cũng có thể nhận biết bằng cách này mà không cần dùng đến tia cực tím hay hơ nóng.

Soi tia cực tím:  Với tem chống hàng giả là “thật”, tem sẽ hiển thị đầy đủ thông tin doanh nghiệp cũng như ký hiệu bảo an của Bộ Công an. Ngược lại, với tem chống hàng giả “nhái”, bề mặt tem sẽ không hiển thị các thông tin này.

Hơ nóng hoặc chà mạnh: Nếu là loại tem chống hàng giả “thật”, màu sắc của tem sẽ bị biến đổi đồng thời logo sẽ bị mất đi. Sau khi nguội, logo và màu sắc của tem trở về trạng thái bình thường. Ngược lại, với tem chống hàng giả “nhái”, logo vẫn hiển thị như lúc ban đầu.

Dựa vào thông tin nhà sản xuất

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân khi chọn mua bánh, kẹo, mứt Tết nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng, nên mua ở những đại lý, siêu thị, cửa hàng uy tín… Thông thường, bánh kẹo giả nhái thường ghi địa chỉ cơ sở sản xuất chung chung, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng hay không có các thành phần có trong bánh kẹo. Đặc điểm này rất dễ nhận ra, nếu các bạn quan sát kỹ sẽ rất khó “mắc bẫy” mua phải hàng giả hàng nhái.

Dựa vào bao bì sản phẩm

Theo đó, có những loại màu sắc không giống hàng gốc, màu nhạt hơn hay quá chói, các thông tin in mờ, không rõ ràng, nếu để ý kỹ vẫn có thể phân biệt được. Bánh kẹo nhái có hạn sử dụng in mờ, có dấu hiệu tẩy xóa, thậm chí không in hạn sử dụng hoặc thường ghi địa chỉ cơ sở sản xuất chung chung, không rõ ràng. Bánh kẹo chính hãng sẽ có địa chỉ rõ ràng, bánh nhập khẩu sẽ có nhãn tiếng việt đi kèm. Nhưng hiện nay, bằng cách này rất khó phân biệt vì các cơ sở sản xuất hàng nhái ngày càng tinh vi, bao bì nhái in rất đẹp, màu sắc tươi sáng, rõ nét không khác gì hàng chính hãng.

Dựa vào tên thương hiệu

Hiện nay, để nhái các thương hiệu nổi tiếng mà không bị luật bản quyền, tên của các sản phẩm hàng giả, hàng nhái thường sẽ khác bánh kẹo thật 1 – 2 chữ cái. Do đó, trước khi mua bất kỳ loại bánh kẹo nào bạn nên quan sát kỹ tên thương hiệu, nếu thấy có dấu hiệu lạ, hãy lên google kiểm tra lại tên các hãng bánh kẹo chính hãng để biết đó là bánh kẹo thật hay bánh kẹo giả.

Hình thức, chất lượng và màu sắc bánh kẹo

Nếu để ý kỹ bạn sẽ dễ dàng nhận ra chất lượng và hình thức bên trong hộp bánh kẹo giả rất sơ sài. Chẳng hạn như hộp bánh Danisa thật bên trong có nhiều loại khác nhau, mỗi loại ở ô riêng còn bánh Damisa giả bên trong chỉ có một loại bánh, sắp xếp hỗn loạn chung một khay.

Bên cạnh đó, ở các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thường sử dụng phẩm màu, phụ gia thường để đánh lừa người tiêu dùng. Những chất này thường có giá thành rẻ, không tự nhiên và chứa các chất độc hại cho sức khỏe Do đó, khi mua hàng hoặc sử dụng cần thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt.

Bộ Y tế khuyến cáo, các loại bánh, mứt có màu sắc lòe loẹt, tươi sáng là do sử dụng màu công nghiệp chứa nhiều kim loại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng; Các loại hạt dưa có màu đỏ hay hồng tươi, bị cháy đen là do nhuộm phẩm màu.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại