Tôi thường uể oải lăn qua lăn lại trên giường không muốn dậy, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh tê tái như ngày hôm đó. Nhưng sự tò mò của một cô bé 10 tuổi khiến tôi hé tấm chăn ấm áp ra để lén xem mẹ đang làm gì. Mẹ tôi ngồi xuống bên cạnh bếp lửa tí tách, quay lưng về phía buồng ngủ của tôi, trời chưa sáng rõ nên tôi cũng không thể nhận ra hành động lặp lại liên tục của mẹ lúc đó.
Gió lạnh rít thổi qua khe vách nhà bằng nứa làm tôi muốn chùm chăn lại ngay, nhưng một mùi thơm phảng phất trong nhà khiến tôi ngưng lại, mùi thơm vừa quen thuộc mà cũng vừa xa lạ, mùi thơm đó chỉ có duy nhất một ngày trong năm, đó là mùi của lá dong để gói bánh chưng vào ngày 30 Tết.
Vì lá dong sau khi cắt sẽ được cuộn với nhau và gói lại vài ngày cho đến ngày 30 sẽ mở ra nên mùi thơm lúc đó cũng ngào ngạt hơn. Cùng lúc đó, tôi cũng nhận ra là mẹ đang ngồi lau những chiếc lá dong để chuẩn bị gói bánh chưng nên sự uể oải cũng biến mất. Tôi hào hứng tung chăn bật dậy, mặc cho cái lạnh cắt da cắt thịt đang xâm chiếm cơ thể.
Tôi mặc vội chiếc áo khoác, quàng chiếc khăn piêu lên cổ rồi chạy vội ra bếp ngồi bên cạnh mẹ, tôi giành lau lá dong để mẹ làm việc khác. Mẹ tươi cười bảo tôi đi ra ngoài rửa mặt trước nhưng tôi không chịu. Vì tôi biết rõ, bên ngoài tấm vách nứa kia là một thế giới hoàn toàn khác trong nhà. Ngoài ấy lạnh cóng, vạn vật thì như đang bị đông lạnh vì sương muối, còn trong nhà lại ấm áp và hương lá dong thơm nức mũi nên tôi đâu có dại mà bước ra khỏi cửa nhà.
Tôi vẫn ngồi lau từng chiếc lá dong trong lúc mẹ tự tay lấy khăn lau mặt cho tôi bằng nước ấm. Rồi mẹ đi vo nếp đã ngâm sẵn từ đêm qua và chuẩn bị nhân làm bánh, mùi gạo nếp nương với mùi đậu đen xanh lòng cùng hòa quyện với mùi lá dong khiến tôi càng nôn nao và phấn khích.
Ảnh minh họa.
Trong lúc tôi giơ từng chiếc lá dong lên ngửi rồi ngắm nghía và đếm từng gân lá thì cha đi thăm bẫy trên núi cũng về tới nhà. Cha bẫy được con lợn rừng nên mẹ bắc thêm nồi nước lớn để làm thịt, và mẹ cũng sẽ dùng luôn thịt lợn rừng đó để làm nhân gói bánh.
Tôi nhìn đôi tay lạnh cóng của cha tranh thủ hơ trên lửa lấy chút hơi ấm khi cha đến dặn để lại vài lá dong để gói thịt nướng. Mùi thuốc súng từ cha tỏa ra làm bớt đi phần nào mùi thơm trong bếp nhưng tôi vẫn thích vì đó là mùi của một người thợ săn chính hiệu, và quan trọng người thợ săn đó chính là cha tôi.
Khi mẹ chuẩn bị gói bánh thì tôi và hai đứa em trai cùng ngồi tước lạt giang cho mẹ. Bánh chưng ở miền núi quê tôi không gói bánh vuông như người miền xuôi mà gói bánh dài bằng gang tay, bánh cũng chỉ to bằng cổ tay nên cũng được gọi là bánh chưng ống.
Vì bánh nhỏ nên cũng nhanh chín hơn bánh chưng vuông. Thỉnh thoảng, tôi cũng tận dụng những chiếc lá bị rách để gói những chiếc bánh nho nhỏ cho riêng mình, mẹ cũng chiều lòng dạy cho tôi cách gói và cách buộc lạt sao cho chắc và đẹp. Sau đó, tôi sẽ buộc những chiếc bánh nhỏ của mình với nhau làm dấu và chia cho hai em trai khi bánh chín.
Hơn nửa buổi sáng thì mẹ mới gói xong bánh và bắt đầu bắc bếp nấu. Trong lúc hai em trai hào hứng ngồi canh nồi bánh mới bắc lên bếp thì mẹ dặn tôi đi lấy thêm củi và mẹ sẽ châm thêm nước vào nồi. Cả ba chị em sẽ có nhiệm vụ giữ lửa canh nồi bánh trong khi mẹ tôi sang nhà bà ngoại phụ gói bánh. Còn cha tôi cũng mang thịt lợn rừng đi biếu hàng xóm và họ hàng gần xa.
Khi nắng bắt đầu hé lên thì hai em trai tôi đã chạy tót đi chơi vì đám trẻ con trong bản í ới gọi. Vì tôi là chị cả nên phải giữ trọng trách mẹ đã giao là không được để lửa tắt. Tôi lén nhìn ra bên ngoài qua khe vách nứa, đám trẻ con đã mặc áo mới khoe nhau. Chẳng ai chịu để cho người lớn giặt quần áo mới mua ngày Tết cả, mùi của quần áo mới cũng là cái mùi không thể thiếu trong ngày Tết của đám trẻ con.
Tôi vào trong buồng lấy ra bộ quần áo mới của mình nhưng lưỡng lự không mặc, mỗi năm chúng tôi chỉ được mua quần áo mới một lần vào dịp Tết nên đó cũng là dịp duy nhất để tụi trẻ con khoe đồ mới với nhau. Nhưng tôi luôn thích chờ khoảnh khắc khoác lên mình bộ quần áo mới cũng là khoảnh khắc bước sang năm mới nên vẫn để dành lại. Mới 30 đâu đã là Tết nên tôi không muốn vội.
Tôi cất lại quần áo mới, thêm củi vào bếp lửa và ra ngồi ngoài hiên, vừa thêu khăn piêu vừa sưởi nắng ấm, thỉnh thoảng nhìn đám trẻ con háo hức nô đùa bên hàng rào dưới bóng cây đào đang nở hoa. Lúc đó, nắng đã ấm lên cao và sương cũng tan nên cả thung lũng như bừng lên sức sống. Hoa cải vàng đung đưa theo gió ở mỗi bờ ao. Hoa trạng nguyên đỏ rực ở mỗi hàng rào. Hoa mơ trắng muốt, hoa đào hồng phai cũng rung rinh khoe sắc trong mỗi vườn nhà. Trên các triền đồi, hoa ban trắng cũng đang hé nụ để chào đón một mùa xuân mới….
Tôi của hiện tại đã ở một bầu trời khác với bầu trời ở thung lũng quê hương Tây Bắc. Chiếc bánh chưng mua ở chợ chẳng thơm như chiếc bánh mẹ gói năm nào, thịt nướng ở nhà hàng cũng chẳng bằng thịt nướng mà cha làm năm xưa. Quần áo mới mua bao nhiêu cũng chẳng háo hức bằng mặc quần áo của năm ấy.