Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:39
RSS

Kỳ thú tục 'tết cá' có một không hai ở Hà Nội

Thứ hai, 27/01/2020, 14:06 (GMT+7)

Trong ngày “tết cá” các cặp đôi yêu nhau mua cá đến tặng gia đình người yêu, chọn được con cá ngon, đẹp lại càng ghi điểm trong mắt gia đình “ý trung nhân”.

Kỳ thú tục 'tết cá' có 'một không hai' ở Hà Nội
2h sáng ngày mùng 3 tết, tại chợ cá xã Canh Nậu.

LTS: Con cá trắm đen gần chục cân oằn mình giãy giụa trong lưới kéo theo không ít bùn đất khiến hai người đàn ông mạnh khoẻ không giữ nổi phải gọi “viện trợ”. Tiếng í ới gọi nhau ngoài ao lúc nửa đêm, âm thanh nhộn nhịp của phiên chợ cá đặc biệt báo hiệu ngày tết đoàn viên của người dân xã Canh Nậu.

Ngày tết cổ truyền ở các vùng đồng bằng tại Việt Nam vốn quen thuộc với hình ảnh “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”… Đối với người dân xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội trong những ngày này, con gà hay cái bánh chưng có thể thiếu nhưng vào ngày mùng 3 Tết, mọi nhà đều phải có món cá thắp hương.

Nhà điều kiện có thể có con cá to, làm nhiều món, nhà kinh tế khó khăn cũng có đĩa cá rán cho phải phép. Từ đầu làng đến cuối xóm người dân trong xã cứ gặp nhau lại tươi cười: “Chốc nữa sang nhà tôi “tết cá” nhé!”.

2h sáng, khi mọi người còn đang chìm trong giấc ngủ thì chợ cá tại xã Canh Nậu lại bắt đầu hoạt động sầm uất nhất. Hàng trăm người lao vào guồng quay của công việc đưa cá lên bờ, mua - bán, phân loại, rửa, ướp, chuyên chở. Không đầy một giờ đồng hồ sau, nơi này tiếp tục đông lên bởi sự xuất hiện của hàng chục chiếc xe máy, ô tô với nhiều giỏ, thau, rổ rá, từ khắp nơi đổ về để mua bán. Thật khó có phiên chợ nào lại vừa gấp gáp, khẩn trương, vừa giàu những âm thanh, hình ảnh sống động như chợ cá lúc rạng sáng.

Bắt cá lúc nửa đêm

3h sáng, cái lành lạnh của khoảnh khắc đầu ngày và từ trận mưa đêm qua do ảnh hưởng của mưa, chúng tôi đến khu vực chợ cá tại xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội, những tưởng mình đã là người đến sớm nhưng dường như phiên chợ đã bắt đầu từ rất lâu trước đó.

Khu chợ cá gồm khoảng 20 gian hàng với hàng trăm chậu cá lớn nhỏ các loại nhưng chủ yếu là cá chép, trôi, trắm. Bên cạnh là những hàng rau được bày trên vài ba tấm mẹt, hay tấm ni lông to trải trên đất. Các quầy hàng này chỉ bán các loại loại rau, gia vị phục vụ nấu món cá như hành, thì là, dưa chua, khế, cà chua…  

Đến quầy hàng cá của chị Đỗ Thị An (Canh Nậu, Thạch Thất) trong lúc chị tất bật nhấc con này, đặt con kia cho khách chọn vừa chỉnh van nước sục cho chậu cá. Khi khách chọn xong và có nhu cầu mổ, chị lại tay dao, tay thớt “đánh vật” con cá to tướng đang giãy lên đành đạch với nụ cười thường chực và những câu chuyện làm quà.

Công việc tất bật là thế nhưng khi gặp phải “ông khách” đến chả thấy mua sắm gì chỉ đứng ngó nghiêng hỏi chuyện chị vẫn vui vẻ tiếp đón. Thậm chí khi ngỏ lời muốn ra ao xem cách đánh bắt cá, chị An liền cởi găng tay, áo mưa, ủng cao su và giao lại gian hàng cho người em trông coi để đưa đi.

Kỳ thú tục 'tết cá' có 'một không hai' ở Hà Nội
Người dân bắt cá lúc nửa đêm.

Vừa đi chị vừa chỉ cho chúng tôi xem khu vực ao của nhà với diện tích gần 10 mẫu, mỗi dịp tết cá lại thu sản lượng cả chục tạ. Ngoài ao, đã có gần 10 người trong gia đình chị An gồm bố, mẹ, anh, chị, em… cùng nhau đánh cá.

Ai cũng tất bật chạy đôn chạy đáo, người bơm nước, người kéo lưới, có người lại chuẩn bị vài xiên cá nướng “tiếp sức” cho cả đại gia đình. Trên đống lửa là mấy xiên cá chỉ vài lạng không đủ “chuẩn” để đem ra chợ nhưng đối với đám thanh niên lại là đặc sản.

Cá được nướng vàng đều, lớp ngoài giòn có mùi khói từ cây gỗ thơm được đốt, phần thịt săn chắc, dai, ngọt lịm. Bốc một miếng chấm chút mắm ăn chỉ muốn chén sạch cả con, nghĩ cũng ngại nhưng chị An ra vỗ vai bảo: “Ơ kìa! Ăn mạnh lên chứ! Rồi chú muốn hỏi gì thì hỏi”.

Chị An kể, từ lúc còn nhỏ chị cùng các anh chị em trong gia đình đã đã biết đi theo người lớn đánh cá, đi chợ từ đêm mùng 2, sáng mùng 3 tết. Năm 15, 16 tuổi chị đã có thể tự đứng bán hàng và tranh thủ về nhà làm món cá thắp hương mỗi khi nhờ được người trông hàng hộ.

“Cả huyện chỉ có xã Canh Nậu có tục “tết cá”, mỗi khi tết đến mọi người từ già đến trẻ đều háo hức chuẩn bị nên cảm thấy vui lắm. Tôi bán hàng suốt từ 12 giờ trưa qua đến giờ, chỉ về ngủ được 1 tiếng nhưng cũng không cảm thấy mệt mỏi gì cả”, chị An nói.

Chị An cho biết thêm, tiêu chuẩn để chọn cá ngon phải là cá có độ bóng, đều vảy, cầm chắc tay. Cá của ao nhà nên thịt giòn và dai chứ không bở như cá công nghiệp ăn cám.

Ở Canh Nậu, hai món cá chính trong ngày “tết cá” là cá rán và canh cá, cá rán phải để cả vảy cho vào chảo dầu nóng lửa lớn cho vàng đều, đẹp sau đó mới hạ bớt lửa sao cho cá chín đều, lớp ngoài giòn lớp trong mềm.

Canh cá ở đây cũng rất đặc biệt, theo chị An nước canh phải sử dụng nước vo gạo mà còn phải là gạo nếp mới thơm ngon và có độ sánh. Đặc biệt khi ướp cá còn phải sử dụng nước tương bần mới đúng vị canh cá ở Canh Nậu.

“Muốn cưới nhanh thì tết phải có con cá đến nhà người yêu”

5h sáng, chợ cá đã rất đông đúc, mọi người gặp nhau đều tươi cười mời qua nhà ăn “tết cá”. Gặp ai cũng mời, không cần biết có đến hay không, càng nhiều người đến lại càng vui, càng may mắn.

Nhiều đôi bạn trẻ muốn đến với nhau cũng có thể mua cá đến tặng gia đình người yêu, chọn được con cá ngon, đẹp lại càng ghi điểm trong mắt gia đình “ý trung nhân”.

Nếu muốn tặng cá phải báo trước một ngày về số lượng, loại cá, giờ nào đem đến để gia đình chuẩn bị làm cỗ thắp hương hoặc bếp núc chế biến. Ngoài ra còn tránh tình trạng “bội thực” cá vì nhà nào cũng đã mua rồi. Với người dân xã Canh Nậu, con cá ngày tết còn quý hơn chai rượu, gói quà…

Ông Nguyễn Đức Lưu (90 tuổi), một trong những cây đại thụ về văn hóa tại xã Canh Nậu. Lúc còn khỏe ông vẫn thường ra đình làm thực hiện nghi lễ nhờ vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục và có uy tín tại địa phương.

“Ngày xưa, tết cứ phải mang con cá đến nhà người yêu thì mới cưới nhanh được, không thì khó lắm…”, ông Lưu nói.

Ông Lưu cho biết, chuyện xưa kể rằng, có một vị chức sắc trong làng có bản tính thanh liêm không tơ hào nên gia cảnh không khá giả. Tục lệ từ xưa đến nay là ăn cỗ bàn linh đình suốt 3 ngày tết nên đến ngày thứ 3 nhà vị chức sắc đã hết thực phẩm.

Không biết lấy gì đãi khách nên ông bèn câu cá ở ngoài ao về làm cơm, người dân Canh Dậu cảm phục sự liêm khiết và thấy ăn món cá giúp đỡ ngấy cho những giò, chả, bánh chưng nên học theo. Từ đó trở đi cứ mùng 3 tết hằng năm cả xã Canh Nậu thức suốt đêm để đánh bắt và đi chợ cá.

Kỳ thú tục 'tết cá' có 'một không hai' ở Hà Nội
Cá là món không thể thiếu trong bữa cơm ngày tết ở xã Canh Nậu.

“Mâm cơm cúng chuẩn theo như các cụ dạy phải đầy đủ các yếu tố âm dương, ngũ hành, cúng cá ứng với vị thủy, ngoài ra còn phải có các yếu tố khiết sinh, tư thành, thanh trước… Người dân Canh Nậu chúng tôi mỗi đợt tết đến lại gói cả chục loại bánh ăn tết, chứ không giống nơi khác chỉ gói 1, 2 loại hoặc chỉ độc mỗi bánh chưng.

Mỗi loại bánh đều có ý nghĩa riêng và trong cách ăn cũng có thứ tự để làm sao thưởng thức hết vị ngon một cách tinh túy. Ăn phải theo thứ tự các loại bánh nhạt, bánh mặn trước, cuối cùng mới là bánh ngọt, vừa dễ ăn lại dễ tiêu hóa.” Ông Lưu nói.

Ông Lưu cho biết thêm, hiện nay những nét phong tục không còn giữ được đúng chuẩn như thời xưa. Nhưng tục “tết cá” vẫn còn là một nét đẹp truyền thống không phai mờ trong tâm trí của mọi người dân. Là một sự kiện gắn kết tình cảm của mọi người dân trong xã, ai có xích mích gì cũng bỏ qua. Cùng đi chợ cá vào giữa đêm như một cuộc du xuân đầy thú vị.

Quả thực vậy, đi chợ cá Canh Nậu mới thấy, thứ được bán ở đây không phải cá mà là niềm vui. Đến quầy hàng của chị An không mua gì lại nhờ dắt đi hết chỗ nọ chỗ kia nhưng chỉ cần hợp chuyện, đến lúc về cả gia đình chị kéo lại tặng cá. Khó khăn lắm chúng tôi mới từ chối được và phải hứa sang năm lại đến ăn “tết cá”.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN