Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:22
RSS

Kinh dị người đàn bà nuốt sống gần 300 con thằn lằn vì muốn... thoát bệnh hiểm nghèo

Thứ hai, 19/02/2018, 13:00 (GMT+7)

Nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt mình, chúng tôi không dám tin là chị đã có đủ can đảm để nuốt sống gần 300 con thằn lằn chỉ vì nuôi hy vọng nó có thể giúp chị thoát bệnh hiểm nghèo, là căn bệnh lao hạch quái ác.

thoát bệnh hiểm nghèo, nuốt sống gần 300 con thằn lằn
Chị Lê Thị Ngũ ngày hôm nay

Chị là Lê Thị Ngũ (SN 1958), trú khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn (Nghệ An). Trông chị khỏe mạnh và đẫy đà hơn rất nhiều so với hình dung về người đàn bà đã từng phải vật vã chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Tay thoăn thoắt trong căn bếp nhỏ với vô số việc không tên, chị vừa làm vừa niềm nở kể về quá trình vượt qua bệnh tật của bản thân.

Bệnh viện trả về để… chờ chết

Chị Ngũ kể rằng, đến bây giờ chị vẫn không tin là mình vẫn còn sống khỏe mạnh bên con cháu khi mà 2 năm trước đây, đã có lúc gia đình “rục rịch” lo “hậu sự” để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất xảy ra và chính bản thân chị cũng đã chuẩn bị tinh thần “cận kề cái chết”.

Một buổi sáng cách đây 3 năm (2010), chị Ngũ thức giấc và phát hiện ra phía sau tai mình nổi những hạt nhỏ bằng hạt đậu. Một thời gian sau, những cái mụn bắt đầu lớn dần và mưng mủ. 

Đến lúc này chị mới lo lắng và đi khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An. Ở đó, các bác sĩ lấy tế bào xét nghiệm và chuyển chị qua Bệnh viện Lao phổi. Nằm điều trị ở đó 2 tháng thì thấy bệnh bớt dần, chị ra viện và trở về nhà. Được một năm sau thì bệnh có dấu hiệu tái phát. Nhưng lần này, những khôi u nhọt đó mưng mủ, đau và xuất hiện cả ở trong phổi. Chị lại tiếp tục khăn gói xuống Bệnh viện Lao phổi. 

Nghi ngờ bị ung thư phổi, bệnh viện Lao phổi Nghệ An giới thiệu ra Bệnh viện Ung Bướu Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành xạ trị, điều trị nhưng không ai dám lấy tế bào trong phổi để xét nghiệm do sức khỏe chị quá yếu. Và cuối cùng, chị được chẩn đoán hoặc là bị u phổi, hoặc là bị lao hạch. Lúc nghe tin, chị hoàn toàn suy sụp vì cứ đinh ninh là mình bị ung thư phổi và “chẳng còn sống được bao lâu nữa”.

Chị Ngũ nhớ lại, quãng thời gian đó, phần vì ảnh hưởng của xạ trị, phần vì bệnh tật và phần nhiều do tư tưởng, cơ thể chị gầy gò, ốm yếu chỉ còn da bọc xương. Hơn 45 ngày điều trị, không ăn ngủ được, mỗi ngày phải chuyền 3 bình dung dịch và thuốc uống không biết bao nhiêu lần nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Không những thế, chị lại bị thêm tràn dịch màng phổi và dịch ở tim. 

Những chứng bệnh mới ấy khiến chị phải di chuyển từ bệnh viện này qua bệnh viện khác để hút dịch, rồi phải thở bằng oxy. “Trông tôi lúc đó đáng sợ lắm, một người chờ chết, ốm yếu, tàn tạ, kiệt quệ, chẳng còn từ gì hơn để diễn tả. Bác sĩ phải lắc đầu và nói cho về nhà để sống những ngày ngắn ngủi cuối đời cạnh người thân nên chồng con tôi thu xếp đưa tôi về”, chị Ngũ hình chậm rãi kể.

thoát bệnh hiểm nghèo, nuốt sống gần 300 con thằn lằn
Gia đình chị Ngũ

Cả nhà đi săn thằn lằn và những ám ảnh kinh hãi

Cứ nghĩ rằng mình chỉ còn sống được “mấy ngày ngắn ngủi” nhưng về nhà sau một thời gian, thấy “thần chết” vẫn chưa “gọi tên” mình, chị Ngũ và gia đình lại nuôi hy vọng. 

Chồng chị vì thương vợ, lại tức tốc vay mượn tiền bạc đưa chị xuống lại Bệnh viện Lao phổi Nghệ An để kiểm tra tình trạng diễn biến của bệnh tật. Cũng từ đây, may mắn đã bắt đầu mỉm cười với chị. Tại bệnh viện chị gặp lại một người bạn cũ, hiện đang công tác ở đây. Người này đã xem lại đơn thuốc điều trị từ Bệnh viện Ung bướu Trung ương và phát hiện ra rằng, trong danh mục 5 loại thuốc điều trị cho chị, chỉ có một loại đặc trị bệnh U phổi. 

Sau khi gia đình ký cam kết, bệnh viện đã tiến hành lấy tế bào ở phổi đi xét nghiệm. Và kỳ diệu thay, sau khi xét nghiệm tế bào, mọi người mới phát hiện đó không phải là u phổi, mà là lao hạch. 

Nhận thấy là một ca hết sức đặc biệt, mặc dù trước đó các bác sĩ ở trung ương đã lắc đầu, các bác sĩ ở Bệnh viện Lao phổi Nghệ An vẫn tiến hành lập một hồi đồng hội chẩn và lên phác đồ điều trị đặc biệt. Sau hơn hai tháng điều trị ở, chị Lê Thị Ngũ được bệnh viện cho về nhà, sức khỏe có phần tiến triển song để bình phục, theo các bác sĩ thì chỉ có tinh thần thật tốt cộng với may mắn thì chị thoát khỏi… bàn tay thần chết. 

Lần thứ hai bị bệnh viện trả về, chị Ngũ và gia đình dù không đến mức tuyệt vọng như lần trước, nhưng ai cũng hoang mang, sợ hãi và bấn loạn. Song, may mắn, chị vẫn còn chỗ dựa tinh thần, ấy là người chồng rất mực yêu vợ. Lúc nào chồng chị cũng cố gắng lạc quan và gieo niềm tin cho chị. 

Trong suốt thời gian ấy, ai mách bảo cách chữa gì, chồng chị đều cố gắng tìm kiếm cho bằng được. Trong đó, rùng rợn nhất vẫn là nuốt sống thằn lằn (thạch sùng) mà không phải nuốt 1 hay 2 con mà là gần 300 con. 

Nhớ lại chuyện này, chị liên tục rùng mình, nổi da gà và có lúc có cảm giác nôn ọe vì kinh hãi. Chị Ngũ kể, trong một lần đi lấy thuốc, chồng chị nghe hai người kháo nhau chuyện nuốt thằn lằn sống sẽ chữa khỏi bệnh lao hạch. Lân la hỏi chuyện và từ đó kiên nhẫn làm theo.

Chồng chị cùng 2 người con đã bỏ cả công việc để hàng ngày đi bắt thằn lằn cho chị nuốt. Loài này sống trong nhà rất nhiều, nên mấy ngày đầu, có khi bắt được cả dăm bảy chục con. Nhưng sau, do săn bắt nhiều nên khan hiếm, gia đình buộc phải đặt mua, nhờ đến lũ trẻ trong làng và cả làng ngoài bắt rồi mua. 

Người đàn bà này ớn lạnh kể, những ngày đầu, có khi chị phải nuốt 10 con mỗi ngày. Thằn lằn sau khi bắt về, rửa sạch được ngắt đuôi để không còn ngoe nguẩy rồi nuốt sống. Chị Ngũ nằm trên giường bệnh, há mồm to, chồng cầm lấy phần đuôi con thằn lằn, cho đầu vào trước rồi thả vào miệng. 

“Nhìn con thằn lằn bình thường đã thấy nó ghê rồi, huống chi là nuốt sống nó. Cảm giác từng cái chân nó bấu víu vào cổ họng, nhám nhám và cả cảm nhận được sự vùng vẫy, quẫy đạp khi đã chui tọt vào trong cơ thể thật kinh khủng”, chị Ngũ nhớ lại. 

Lần đầu tiên nuốt chị đã phát kinh đến nôn thốc nôn tháo, nước mắt, nước mũi trào ra. Chồng và con tìm mọi cách động viên, rồi dọa nạt chỉ để “tống” được nó vào bụng. Phải mất gần cả tháng trời chị mới có thể quen với cách chữa bệnh kinh dị này. 

Gần 3 tháng ròng, gần 300 con thằn lằn sống đã đi vào cơ thể chị. Và cũng kỳ diệu thay, chị đã khỏe mạnh trở lại. Chị ăn được, da dẻ hồng hào và một ngày nọ bỗng đứng dậy bước đi như người bình thường.

thoát bệnh hiểm nghèo, nuốt sống gần 300 con thằn lằn
Nuốt sống thằn lằn (Ảnh minh họa)

Thực hư công dụng của “bài thuốc không dành cho người yếu tim”

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đậu Minh Quang, Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Nghệ An cho biết, từ lâu thạch sùng (thằn lằn) đã được coi là vị thuốc quý khi phơi sấy khô. Tuy nhiên, dùng bài thuốc này cũng phải theo hướng dẫn của y bác sỹ. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Quang, quan niệm thạch sùng tươi giàu chất bổ, có thể nuốt sống là quan niệm sai lầm, thậm chí nguy hiểm. Thạch sùng có thể chui vào các đường ống dẫn hô hấp dễ ảnh hưởng đến tính mạng. 

Về trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Ngũ, bác sĩ Quang cho biết, do chị đã nhập viện và điều trị rất nhiều loại thuốc theo đúng phác đồ của bệnh lao hạch, nhưng vì sức khỏe quá yếu nên tiến triển rất chậm. Tuy nhiên, khi gia đình đưa chị về nhà, có điều kiện chăm sóc tốt, thuốc ngấm nên bệnh của chị đã được đẩy lùi. 

“Chuyện nuốt thạch sùng và khỏi bệnh đó chỉ là trùng hợp, may mắn ngẫu nhiên. Thạch sùng có khá nhiều công dụng trong phòng chống bệnh tật, có thể một phần chất bổ trong loài vật này đã ngấm vào cơ thể bệnh nhân, giúp nhanh phục hồi sức khỏe”, bác sĩ Quang khẳng định. 

Bác sĩ Đậu Minh Quang cũng khuyến cáo, hiệu quả của việc nuốt sống thằn lằn, dù sao cũng chỉ mới nghe qua lời kể của người bệnh, chưa có sự kiểm chứng. Vậy nên, người bệnh không nên tự ý sử dụng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thủy Chi
Theo Đời sống Plus/GĐVN