Thứ sáu, 17/01/2025 | 13:04
RSS

Không khí tiếp tục ở mức có hại: Những cách hay để bảo vệ sức khỏe

Chủ nhật, 24/11/2019, 08:20 (GMT+7)

Theo ghi nhận mới nhất, chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở trong khoảng 170 đến xấp xỉ 200 (mức có hại cho sức khỏe) nên người dân cần trang bị vật dụng cần thiết khi ra đường.

Hiện tại đang là thời điểm giao mùa, nên ở khu vực Bắc Bộ thường xuất hiện sương mù vào sáng sớm, cộng thêm thời tiết không có mưa, độ ẩm không khí thấp. Ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, do môi trường đô thị nhiều phương tiện giao thông, các công trình xây dựng đã khiến cho các chất ô nhiễm tích tụ, không thể phát tán lên cao và đi xa. Ghi nhận vào thời điểm sáng ngày 23/11, chỉ số chất lượng không khí (AQI)  luôn ở trong khoảng 170 đến xấp xỉ 200 (mức có hại cho sức khỏe).

Không khí tiếp tục ở mức có hại, làm thế nào để bảo vệ sức khỏe?

Theo Tổng cục môi trường Hà Nội, vào khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao (ngưỡng đỏ, tím, nâu) hạn chế các hoạt động ngoài trời, mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.

Làm thế nào bảo vệ sức khỏe khi chất lượng không khí ở mức có hại

Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng chứng nhận (giúp cản bụi mịn), khẩu trang phải ôm kín mặt, có gọng mũi và van thở lọc 1 chiều khi ra đường. Nếu không có khẩu trang đạt tiêu chuẩn, bạn có thể sử dụng 2 khẩu trang y tế lồng vào nhau để tăng hiệu quả tránh bụi.

Cần chú ý khẩu trang chỉ được sử dụng một lần, không giặt sử dụng lại vì sẽ làm phá hủy lớp màng bảo vệ. Sau khi ở ngoài về, có thể vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa bằng xà phòng; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần hạn chế ra ngoài trong thời điểm ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài thì phụ huynh cần cho trẻ mang khẩu trang đúng chuẩn như đã đề cập ở các câu trả lời trước. Ngoài ra, cần cho cháu mang áo khoác và khăn để che chắn các bộ phận da và niêm mạc. Sau khi về nhà, cần vệ sinh da, mắt, mũi, miệng cho trẻ bằng xà phòng và dung dịch nước muối sinh lý.

Về dinh dưỡng, phụ huynh cần chú ý bổ sung đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất (chất bột, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất). Bên cạnh đó, cần chú ý thêm trái cây và rau xanh để phòng ngừa tác hại của các chất oxy hóa. 

Phụ huynh cũng cần lưu ý cho con trẻ tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các văcxin tiêm ngừa các bệnh lý đường hô hấp. Việc bổ sung các thuốc tăng cường sức đề kháng là không cần thiết nếu trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.

Khi bạn cảm thấy không an tâm về chất lượng không khí trong nhà, bạn có thể lựa chọn một thiết bị lọc không khí và khử mùi phù hợp với điều kiện kinh tế. Máy lọc không khí tốt thì cần có bộ lọc đầy đủ gồm có 3 màng lọc: màng lọc thô - lọc bụi lớn, phấn hoa...; màng thứ hai - cũng là lớp quan trọng nhất - lọc bụi mịn (bụi PM2.5) thường là loại lọc chuẩn HEPA; màng thứ ba thường là carbon hoạt tính giúp hấp thụ mùi, vi khuẩn gây hại, nấm mốc.

Trong các máy lọc không khí hiện đại thì mang lọc số 3 có thể thêm tính năng khác (công nghệ ion, công nghệ than hoạt, công nghệ chọn lọc các khói ô nhiễm độc hại như khói thuốc...). Với từng loại máy, trong khi lõi 1 và 2 thường cố định với các máy lọc khí tiêu chuẩn. 

Các máy lọc không khí chỉ có tác dụng trong một phạm vi nhất định, thường trong khoảng 20-30m2. Cần chú ý sắp xếp các vật dụng trong phòng gọn gàng để tăng hiệu quả của máy. Ngoài ra, cần chú ý kiểm tra để súc rửa hoặc thay thế các màng lọc theo định kỳ hoặc màng ngoài đã bám quá nhiều bụi bẩn. 

Để góp phần giảm ô nhiễm, mỗi người dân có thể đóng góp từ những hành động nhỏ như vệ sinh cảnh quan môi trường xung quanh, trồng nhiều cây, không đốt rơm rạ, không đốt rác cũng như sử dụng đúng cách, đúng hướng dẫn với phương tiện giao thông mình đang sử dụng. 

Một số hành động đơn giản như tắt động cơ xe máy khi dừng chờ đèn đỏ, không vứt rác nơi công cộng cũng góp phần hạn chế bớt nguồn thải gây ô nhiễm không khí.

Để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường, cụ thể là tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, bác sĩ khuyến cáo người dân:

Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường;
Từ bỏ và tránh xa khói thuốc lá;
Đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng cản bụi mịn do cơ quan chức năng chứng nhận, ôm kín tối ưu gương mặt, có gọng mũi và van thở lọc 1 chiều khi ra đường (không phải khẩu trang y tế thông thường);
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống;
Hạn chế đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều vào các dịp lễ;
Người dân ngoại thành không nên đốt rơm rạ khiến bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn;
Chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch (bếp điện, bếp từ) để đun nấu, thay thế bếp than tổ ong;
Tắt máy xe khi dừng đèn đỏ;
Nhắc nhở các phương tiện giao thông hoặc công trình xây dựng phát thải nhiều khói bụi nhưng không che chắn kỹ;
Trồng thêm cây xanh góp phần bảo vệ môi trường trong lành;
Đặc biệt, bệnh nhân có vấn đề về hô hấp không nên ra ngoài vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng nếu không thật sự cần thiết. Người bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì uống thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ

 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN