Thứ bảy, 11/05/2024 | 10:12
RSS

Không khí Hà Nội trở lại vị trí số 1 về ô nhiễm trong ngày 4/10

Thứ sáu, 04/10/2019, 19:50 (GMT+7)

Cơn mưa sáng qua ngày 3/10 đã giúp cho không khí Hà Nội trong lành hơn. Tuy nhiên, hôm nay 4/10, các hệ thống đo chỉ số không khí đều báo mức độ ô nhiễm không khí tại ở ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Sau một ngày tụt xuống vị trí 51, không khí Hà Nội trở lại vị trí số 1 về ô nhiễm
Hà Nội mịt mù trong sáng nay 4/10. Ảnh: Môi trường đô thị.

Vào 7h45 hôm nay, chất lượng không khí ghi nhận tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (điểm đo cố định cho độ tin cậy rất cao) của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) có chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 191 (xấp xỉ 200 - ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe mọi người, nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em người mắc bệnh hô hấp nên ở trong nhà, nhóm khác hạn chế ra ngoài).

Tại trạm đo của Đại sứ quán Mỹ, chỉ số AQI tại điểm đo Phú Thượng lên tới 194. Theo ghi nhận của hệ thống PAM Air, hầu hết các điểm đo ở Hà Nội có ngưỡng đỏ (chỉ số AQI từ 150-200), ngưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người. Cá biệt tại hai điểm đo Trần Quang Khải (Hoàn Kiếm), chỉ số AQI lên tới 203 và điểm đo Time City lên ngưỡng tím – rất có hại cho sức khỏe mọi người.

Trên trang web airvisual.com tính đến thời điểm 9h30' ngày hôm nay, với chỉ số US AQI là 175, Hà Nội lại trở lại vị trí số 1 về ô nhiễm không khí của các thành phố trên thế giới sau khi xếp vị trí thứ 51 trong ngày hôm qua.

Trong khi đó, số liệu quan trắc được đăng tải trên Công thông tin quan trắc môi trường, UBND thành phố Hà Nội có vẻ khả quan hơn. Chỉ số AQI đều ở mức trung bình (màu vàng), mức khuyến cáo: Nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài.

Sau một ngày tụt xuống vị trí 51, không khí Hà Nội trở lại vị trí số 1 về ô nhiễm 2
Chỉ số AQI lúc hơn 7h sáng nay tại Hà Nội (theo ghi nhận của PAMAir)

Trao đổi với báo Tiền Phong, chuyên gia không khí Hoàng Dương Tùng, cơn mưa sáng qua chỉ làm dịu bầu không khí trong một ngày. Từ chiều qua, chất lượng không khí có xu hướng xấu trở lại. Đến đêm và sáng nay, ô nhiễm lại lên ngưỡng nghiêm trọng. Tuy nhiên, xu thế ô nhiễm có thể giống những ngày trước, ô nhiễm nghiêm trọng vào đêm và buổi sáng, buổi chiều được cải thiện một phần.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tại qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển và gây mưa trên khu vực  các huyện phía nam của Hà Nội như Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai. Vùng mây dông đang có xu hướng di chuyển lên phía bắc.

Vùng mây đối lưu này sẽ ảnh hưởng tới các quận nội thành, gây mưa rào và dông cho khu vực các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Gia Lâm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân…Sau đó vùng mưa dông có khả năng mở rộng ảnh hưởng sang các quận nội thành khác. Hy vọng cơn mưa này sẽ giúp làm giảm ô nhiễm ở Thủ đô.

Báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, với đặc điểm thời tiết đang giao mùa, trong khoảng thời gian này, ban ngày sẽ có nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn. Vì vậy, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào buổi đêm và sáng sớm.

Theo báo cáo môi trường quốc gia về chất lượng không khí chỉ ra, ở các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, mùa đông ô nhiễm nghiêm trọng hơn mùa hè.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, vào mùa đông hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra thường xuyên khiến chất ô nhiễm không khuếch tán được gây ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt vào những ngày lặng gió. Từ nay đến tháng 3 sang năm, nhiều đợt nghịch nhiệt có thể xảy ra. Vì thế, nguy cơ sẽ xuất hiện thêm các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Kiều Khanh (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN