Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:25
RSS

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao giờ mới kết thúc?

Chủ nhật, 29/09/2019, 07:18 (GMT+7)

Hiện chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ở mức kém. Người dân nên hạn chế ở ngoài trời quá lâu, đặc biệt trẻ em, người già...

Thủ đô Hà Nội tiếp tục có nắng hanh khô vào ban ngày, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Nhiệt độ từ 21 – 33 độ C.

Chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ở mức kém. Người dân nên hạn chế ở ngoài trời quá lâu, đặc biệt trẻ em, người già và những người có tiền sử bệnh hô hấp.

Tình trạng ô nhiễm không khí này được dự báo sẽ duy trì đến đầu tuần và chỉ được cải thiện khi đón một đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. 

Theo số liệu từ Air Visual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm 11h38 trưa 26/9, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 182, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155). Trang Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ.

Cụ thể hơn, tại Hà Nội, lần lượt các khu vực đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, như đường Tô Ngọc Vân - Tây Hồ (182), Bắc Từ Liêm (175), Thành Công (174), khu vực Hàng Đậu (174), Láng Hạ (179), Tây Mỗ (163)...

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội bao giờ mới kết thúc?
Ảnh minh họa

Đỉnh điểm là sáng 26/9, chỉ số AQI ở Hà Nội cũng vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204. Trước đó, ngay cả vào khung giờ sáng sớm từ 7h30 đến 9h, Hà Nội vẫn có chỉ số AQI cao khi lần lượt AQI đo được đạt ngưỡng từ 150 - 180.

Theo quy chuẩn của hệ thống đo chất lượng không khí tại Việt Nam, chỉ số AQI ở mức 0 - 100 (xanh và vàng) là ngưỡng tốt và trung bình; từ 101 - 200 (da cam) mức kém; 201 – 300 là mức xấu và trên 300 là nguy hại.

Như vậy, với bảng đo được của Airvisual, các khu vực ô nhiễm không khí của Hà Nội đang ở ngưỡng kém, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính cần thở nhiều nên hạn chế ở ngoài.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang. Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hay yếu tố thúc đẩy gây ra, làm nặng thêm một số bệnh ở con người. Các chất độc trong không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi, miệng, da và niêm mạc.

“Trong không khí ô nhiễm có các chất độc do phương tiện giao thông thải ra bao gồm: khí CO, SO2, NO2, benzen, chì, các kim loại nặng và một vài độc chất khác,... có thể gây hại ở một số cơ quan như mạch máu, tủy xương, lách, tim và phổi. Trong đó, hệ hô hấp và tim mạch dễ bị ảnh hưởng nặng nhất từ không khí ô nhiễm”, bác sĩ Vinh khuyến cáo.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN