Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:58
RSS

Không để giáo viên thiệt thòi khi có lương mới

Thứ năm, 16/12/2021, 11:58 (GMT+7)

Lương thấp nên nhiều giáo viên phải “chân ngoài” dài hơn “chân trong” để bảo đảm cuộc sống và nuôi dưỡng tình yêu nghề.

Không để giáo viên thiệt thòi khi có lương mới

Dù trong dịch bệnh nhưng các giáo viên luôn nỗ lực với sự nghiệp trồng người. Ảnh minh họa

Giáo viên mong muốn có cách tính lương mới để cải thiện tình hình. Các chuyên gia cũng đề xuất, cần nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo. 

Nhiều trăn trở

15 năm đứng trên bục giảng, đến nay thu nhập của cô Nguyễn Thị Duyên – giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Hà Tĩnh) mới được 7,1 triệu/tháng. Theo cô Duyên, thời gian làm việc của giáo viên không chỉ là những tiết dạy học trên lớp, mà không thể “cân đong, đo đếm được”. Để có bài giảng hay, thực sự “thăng hoa” trong 45 phút (dù là trực tuyến hay trực tiếp) thì thời gian giáo viên bỏ ra có khi cả buổi tối, có hôm phải “trắng đêm”, thậm chí vài ngày mới soạn xong giáo án.

“Với giáo viên chủ nhiệm còn vất vả hơn; vì ngoài nhiệm vụ dạy học, còn phải giáo dục học sinh” - cô Duyên phân trần đồng thời trăn trở: Lương, thu nhập của giáo viên hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với công sức, trí tuệ của nhà giáo. Chẳng hạn, một giáo viên mới vào nghề, thu nhập trên dưới 3 triệu/tháng. Với mức thu nhập này, rất khó để trang trải cuộc sống. Từ thực tế này, cô Duyên mong muốn, sớm có cách tính lương mới theo chức danh nghề nghiệp của giáo viên, để thu nhập được cải thiện.

“Giáo viên có thu nhập tốt, ổn định là động lực để yêu nghề, tâm huyết với công việc giảng dạy. Đồng thời, là chất xúc tác để thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm, hạn chế chảy máu chất xám trong ngành Giáo dục” – cô Duyên bày tỏ.

Không để giáo viên thiệt thòi khi có lương mới

Lớp học của cô Hoàng Thị Thanh Bình phụ trách – thời điểm chưa có dịch covid-19 Ảnh: NVCC.

Cô Duyên hiện bảo đảm các điều kiện cần và đủ để được thăng hạng lên giáo viên THPT hạng II. Tuy nhiên, cô vẫn đang là giáo viên hạng III. “Tôi mong muốn, hàng năm các địa phương có đợt xét/thi thăng hạng để giáo viên không bị thiệt thòi” – cô Duyên đề xuất.

Hơn 10 năm là giáo viên hợp đồng, cô N.T.T.P – dạy học ở một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) năm nào cũng là giáo viên dạy giỏi, được học sinh và phụ huynh tin yêu, quý trọng. Thâm niên trong nghề là vậy, nhưng tổng thu nhập của cô hiện nay được 4,1 triệu/tháng. Vì yêu nghề, mến trẻ nên cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Tuy nhiên, để trang trải cuộc sống và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho chồng, cô đã bán hàng online và cộng tác với nhiều tổng kho để các mặt hàng phong phú và có thêm nhiều khách hàng.

Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng cao, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) – cho hay: Gần 30 năm bám trường, bám lớp, đến nay thu nhập của cô được hơn 10 triệu/tháng. Thời gian đầu, những tưởng sẽ phải dừng lại ước mơ là cô giáo, vì dạy học ở vùng cao quá khó khăn, lương lại thấp. Song, với niềm tin: Lương của giáo viên sẽ được cải thiện, giáo viên sẽ sống được bằng nghề; thế nên, cô vẫn quyết tâm bám trụ, gắn bó với phấn trắng, bảng đen cho đến hôm nay.

Không để giáo viên thiệt thòi khi có lương mới

Cô Nguyễn Thị Duyên tranh thủ trao đổi bài với học sinh trong giờ sinh hoạt tập thể. Ảnh: NVCC

Không để giáo viên thiệt thòi

Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Bằng chứng là, những năm gần đây, chế độ lương, phụ cấp của nhà giáo dần được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu so sánh với mặt bằng của nhiều ngành nghề khác, lương nhà giáo vẫn ở mức thấp.

Qua hai năm đại dịch Covid-19 mới thấy, đời sống của giáo viên còn nhiều khó khăn; nhiều thầy, cô giáo cũng cần cứu trợ. Vì thế, nếu giáo viên chỉ dựa vào đồng lương sẽ khó bảo đảm cuộc sống. Lương thấp, nhiều giáo viên phải tìm cách tăng thu nhập; trong đó có việc “lách luật” để dạy thêm tại nhà, trung tâm; thậm chí có thầy, cô “chân ngoài, dài hơn chân trong”.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc khi bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới. Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên phải công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát nguyện vọng, thu thập phản ánh của giáo viên cả nước về xếp hạng, xếp lương, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp xác đáng vào thông tư mới. Đồng thời, có kế hoạch để triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc sau khi ban hành, không để giáo viên bị thiệt thòi. Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính rà soát những vấn đề bất cập liên quan đến chế độ, chính sách lương, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng đúng theo công việc giảng dạy đang thực hiện. Cùng với đó, rà soát lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại giáo viên ở các địa phương theo hướng giảm nhưng không để thiếu giáo viên đứng lớp.

Cũng tại cuộc họp, bên cạnh những đổi mới trong việc bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để chuẩn hoá, xếp hạng giáo viên; lương của giáo viên được xếp theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019… đại diện các bộ, ngành đã phân tích, làm rõ những vấn đề bất cập phát sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên trong biên chế như: Các địa phương chưa triển khai thống nhất việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên…

Bà Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng: Tăng lương cho nhà giáo là chính đáng, phù hợp Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, muốn tăng cũng không dễ; bởi bao năm qua, câu chuyện tăng lương cho giáo viên vẫn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn chưa có thay đổi như mong đợi.

 

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại