Thứ năm, 25/04/2024 | 01:20
RSS

Không chỉ là phấn trắng, bảng đen…

Thứ bảy, 20/11/2021, 14:48 (GMT+7)

Bước vào thời kỳ 4.0, giáo viên phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức và năng lực thiết yếu để không bị “lép vế” trước “thầy Google”.

Giáo viên thời kỳ 4.0, không chỉ là phấn trắng, bảng đen…

Một tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh tư liệu

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Chủ động thích ứng

- PGS đánh giá như thế nào về sự thích ứng của đội ngũ nhà giáo khi phải chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, từ xa?

- Nhắc đến vấn đề này, tôi nhớ đến thời còn là “anh giáo làng”. Đó là những năm thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, vừa khôi phục hậu quả của chiến tranh, vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, chúng tôi vẫn thích ứng với hoàn cảnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy học và kiến quốc.

Chúng tôi dạy học trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Lớp học chỉ là những phòng học tạm. Thế nhưng, dù ở hoàn cảnh nào cũng phải thích nghi, vượt lên chính mình, thi đua dạy tốt – học tốt. Dường như, phẩm chất ấy, nghị lực ấy đã trở thành truyền thống của những người làm trong ngành giáo dục mà ở đó các thầy, cô giáo đóng vai trò nòng cốt.

Minh chứng sinh động là, khi lần đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, nhiều hoạt động bị gián đoạn, thậm chí là ngưng trệ. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức dạy học trực tuyến, từ xa, trên truyền hình. Toàn ngành quyết tâm thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”.

Trên tinh thần đó, đội ngũ giáo viên đã nhanh chóng làm quen với dạy học online – một hình thức chưa từng có trong tiền lệ. Vừa làm, vừa học hỏi và rút kinh nghiệm, đến nay, dạy học trực tuyến không còn xa lạ với giáo viên. Thậm chí, phương thức dạy học mới trở thành kỹ năng không thể thiếu của mỗi thầy, cô giáo. Điều đó cho thấy, bước tiến vượt bậc của đội ngũ nhà giáo – những người vốn quen với bục giảng, phấn trắng, bảng đen.

Từ thay đổi phương thức dạy học, nhiều cơ sở giáo dục, địa phương và ngành Giáo dục đã xây dựng được kho dữ liệu bài giảng phong phú, nhằm phục vụ công tác dạy - học; sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận và hoan nghênh. Điều đó cho thấy, đội ngũ giáo viên hoàn toàn có thể thích ứng với chuyển đổi số.

Có thể nói, giáo dục và đào tạo trở thành một trong những ngành tiên phong trong đổi mới, chủ động thích ứng với đại dịch Covid-19, mà ở đó đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng.

Giáo viên thời kỳ 4.0, không chỉ là phấn trắng, bảng đen…

Lớp học trực tuyến của Trường THCS và THPT Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: TG

Không để giáo viên “lép vế” trước Google

- Như vậy, việc dạy học ngày nay không chỉ đơn thuần là bảng đen, phấn trắng, mà giáo viên phải chủ động tiến công vào công cuộc chuyển đổi số, thưa ông?

- Đúng vậy! Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục, chuyển từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực của cá nhân. Chuyển từ học xong biết gì, sang học xong làm được gì. Nói cách khác là: Chuyển từ học để biết, sang học để làm và học sinh phải được phát triển toàn diện.

Thời chúng tôi, bục giảng, phấn trắng, bảng đen là hình ảnh quen thuộc, gắn liền với công việc dạy – học. Nhưng ngày nay, bước vào thời đại 4.0, giáo viên phải chủ động đổi mới tư duy nhận thức và hành động. Hãy thử mà xem, chỉ cần gõ từ khóa cần tìm kiếm trên Google, sẽ cho chúng ta hàng vạn kết quả. Tuy nhiên, Google chỉ cung cấp thông tin, kiến thức, còn thầy, cô giáo không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn là người hướng dẫn học sinh lựa chọn thông tin để vận dụng vào bài học và thực tiễn.

Toàn ngành Giáo dục đã và đang thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Do đó, yêu cầu tối quan trọng đối với giáo viên là: Đổi mới phương pháp dạy học, chủ động cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng công nghệ thông tin. Nếu không, các thầy, cô sẽ bị “lép vế” trước “thầy Google”. Hơn bao giờ hết, giáo viên phải có năng lực về công nghệ thông tin, hiểu được trí tuệ nhân tạo, big data…

- Theo ông, “chìa khóa” quan trọng của nhà giáo trong thời đại 4.0 là gì?

- Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh chính là chìa khóa quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho giáo viên trong thời đại 4.0. Theo đó, giáo viên phải trang bị cho mình kiến thức, năng lực về công nghệ thông tin để ứng dụng vào bài giảng. Cùng với đó, cần phát triển tiếng Anh để phục vụ cho công việc như: Tra cứu tài liệu, hoặc xem các bài giảng của giáo viên nước ngoài; từ đó chắt lọc, rút kinh nghiệm để vận dụng hợp lý vào thực tế dạy học ở trường, lớp mình đang phụ trách.

Giáo viên thời kỳ 4.0, không chỉ là phấn trắng, bảng đen…

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

- Vậy ông có đề xuất gì trong công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để giáo viên có được những năng lực nêu trên?

- Ngoài công tác tập huấn, bồi dưỡng do nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục tổ chức, yếu tố quan trọng là giáo viên phải tự bồi dưỡng, trau dồi kiến thức. Chỉ có giáo viên mới biết mình đang cần gì, thiếu gì để chủ động lấp đầy khoảng trống.

Tôi nhớ, thời còn công tác ở Bộ GD&ĐT, có anh “tài xế” muốn thi vào làm lái xe cho một đại sứ quán ở Hà Nội. Lúc đó, tôi đã khuyên: Anh cần trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Theo đó, mỗi ngày tôi cung cấp cho anh ấy 5 từ tiếng Anh để tự học. Vậy là, sau 3 tháng, anh ấy đã có một vốn từ giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhờ đó, anh đã vượt qua nhiều hồ sơ để được tuyển dụng vào làm lái xe cho đại sứ quán. Từ câu chuyện trên, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Yếu tố tự học, tự bồi dưỡng rất quan trọng, nhất là với đội ngũ giáo viên.

- Xin cảm ơn PGS!

“Dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, mà là xu thế tất yếu trong thời đại số. Chúng ta cần tạo ra không gian mở, để người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời. Hãy nhìn Nepal – một đất nước lạc hậu, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhưng có những trường ở miền núi của họ đã dạy trực tuyến gần như 100%”. - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ

 

Minh Phong (Thực hiện)
Theo Giáo dục & Thời đại