Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:12
RSS

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh… nuôi tôm

Thứ sáu, 31/08/2018, 12:26 (GMT+7)

Hiện tại, nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL treo ao nuôi vì thua lỗ do giá tôm xuống thấp. Tuy nhiên, ấy là những hộ nuôi tôm vẫn áp dụng cách nuôi cũ, ẩn chứa nhiều rủi ro…

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm
Ông Chu Hồng Hà, Phó Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, người nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm

Người đi "mở đất"

Chu Hồng Hà quê mãi Thái Bình. Anh "di cư" vào ĐBSCL từ hơn chục năm trước, hiện đang là Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản.

Gặp Chu Hồng Hà khó. Anh chẳng ở chỗ nào cố định vài ngày. Khi thì Vũng Tàu, lúc thì Kiên Giang, Cà Mau, những vùng nuôi tôm của Tập đoàn Minh Phú.

Hôm ấy, may mắn, chúng tôi đã "tóm" được "phó tướng" năng nổ này ngay tại Hòa Điền (Kiên Lương, Kiên Giang), một trong những "vựa tôm" của tập đoàn Minh Phú khi anh đang… mê đắm với những vuông tôm nuôi theo công nghệ mới ở đất này.

Chu Hồng Hà da đỏ au, phong trần, dầu dĩ như một nông dân thứ thiệt. "Chỉ nông dân mới hiểu, mới nổi chìm cùng con tôm được!", Chu Hồng Hà nói với chúng tôi như vậy sau cái bắt tay thật chặt.

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm
Ao nuôi tôm công nghệ m của Tập đoàn Minh Phú ở Hòa Điền, Kiên Giang

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh vùng nuôi tôm rộng gần 600 ha ao tôm ở Hòa Điền, Chu Hồng Hà kể, hơn chục năm trước, đây là vùng đất sình lầy, gần như hoang hóa. Để có được những ao tôm vuông vắn, thẳng hàng ngay lối như bây giờ thì mồ hôi, thậm chí cả nước mắt đổ xuống không biết bao nhiêu mà kể.

Nông dân "chơi" với con tôm như chơi bạc. "Lên voi xuống chó" chỉ sau một mùa vụ, cả chục năm ngụp lặn trong ao đầm, Chu Hồng Hà quá hiểu điều này.

Bởi thế, như nhiều cán bộ của tập đoàn Minh Phú, Chu Hồng Hà luôn thôi thúc một mục tiêu cháy bỏng "làm sao để nghề nuôi tôm phát triển bền vững, người nuôi tôm một nắng hai sương vốn… ăn cơm đứng ở ĐBSCL có thể mở mặt mở mày".

Không còn chuyện thả tôm xuống đầm như thả vào… chiếu bạc

Miền Tây đất đai thênh thang, phù hợp với nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Ưu ái này tưởng hay mà lại thành dở, khiến nghề nuôi tôm ở đây không thể nào cất cánh.

Người có chí làm giàu thì bởi "nhiễm" cách nuôi phụ thuộc vào tự nhiên nên năng xuất không ổn định, khi được khi mất. Ấy là chưa kể đến những biến động khó lường của thị trường. Gặp vụ giá tốt thì có thu, giá xuống thấp thì thành… con nợ. Thế mới nói nông dân thả mồ hôi, tiền bạc xuống vuông tôm chẳng khác nào thả vào… chiếu bạc.

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm
Tôm nuôi theo công nghệ mới năng suất cao hơn nuôi theo cách cũ nhiều lần, hạn chế tối đa rủi ro.

Nông dân trình độ, vốn đầu tư hạn chế nên chẳng dễ dàng gì khi thay đổi tập quán, cung cách làm ăn. "Mình là doanh nghiệp thì mình phải đi trước, làm trước. Khi người dân thấy cách nuôi mới này hiệu quả thì họ sẽ tự theo thôi!", nhắc về "nghề nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm theo công nghệ mới" mà Tập đoàn Minh Phú đang gây dựng ở đất này, Chu Hồng Hà đã hồ hởi nói với chúng tôi như vậy.

Tập đoàn Minh Phú "khai phá" mảnh đất Hòa Điền từ năm 2006. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017 thì mới bắt đầu đưa công nghệ nuôi mới vào áp dụng. "Những năm trước thì cũng nuôi theo phương cách cũ thôi! Như các hộ nuôi khác trong vùng, năng suất cũng phập phù lắm!", Chu Hồng Hà chia sẻ.

"Nuôi tôm công nghệ mới", mới nghe thì thấy cầu kỳ, rối rắm nhưng theo Chu Hồng Hà thì quá đỗi đơn giản. Đầm, ao nuôi được lót bạt, nước được xử lý để hạn chế tối đa những tác nhân gây hại cho con tôm rồi mới được bơm vào đầm, ao. Tôm giống cũng được "ươm" cho quen với môi trường ở ao vèo rồi mới được thả xuống ao nuôi.

Theo Chu Hồng Hà, mấu chốt của nuôi tôm công nghệ mới là thiết lập hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước. Khâu này thân thiện với môi trường, chủ động, tái sử dụng lại được nguồn nước để nuôi tôm, tránh được dịch bệnh.

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm
Ông Đặng Hải Đăng, phụ trách kỹ thuật của Công ty Việt Mỹ đang kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm giống trước khi thả xuống ao nuôi công nghệ mới.

"Nuôi theo cách cũ thì cứ lấy nước ngoài kênh rạch vào, nước ấy có đảm bảo không, có đem theo mầm bệnh không thì không ai biết được", Chu Hồng Hà chia sẻ.

Hiện tại, theo Chu Hồng Hà, Tập đoàn Minh Phú đang triển khai dự án đưa công nghệ kiểm soát tự động, thông minh vào ao nuôi tôm. "Tất cả những chỉ số về độ kiềm, PH, khoáng chất và các chỉ tiêu vi sinh khác có liên quan đến sinh trưởng, phát triển của con tôm đều được báo về… điện thoại hết.

Áp dụng cái đó thì nông dân như tôi có lẽ chỉ ngồi phòng lạnh suốt ngày thôi!", Chu Hồng Hà hồ hởi bật mí về dự án "nuôi tôm thông minh" của tập đoàn dự kiến đầu năm 2019 sẽ đưa vào ứng dụng

Theo Chu Hồng Hà, nuôi tôm theo cách truyền thống, được mất do… ông trời quyết định, mỗi năm chỉ có thể nuôi từ 1-2 vụ, năng suất chỉ khoảng 15 tấn/ha. Còn nuôi theo công nghệ mới, mỗi năm có thể thả từ 4-5 vụ, năng suất là khoảng 70 tấn/ha/vụ.

Nhàn mà ăn chắc

Thấy được sức hấp dẫn từ nuôi tôm công nghệ mới, không chỉ Tập đoàn Minh Phú mà một số doanh nghiệp ở ĐBSCL đã nhanh chóng đưa cách nuôi mới này vào vùng nuôi tôm của mình.

Chúng tôi ghé thăm vùng nuôi tôm của Công ty TNHH Dịch vụ một thành viên Việt Mỹ (xã Tịnh Bình, TP. Cà Mau) vào giữa sáng. Vùng nuôi tôm rộng hơn chục héc- ta của công ty vắng hoe, mỏi mắt mới thấy bóng người.

Ông Đặng Hải Đăng, cán bộ phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết, công ty áp dụng cách nuôi mới cũng từ đầu năm 2017. Và, từ khi đưa công nghệ nuôi mới vào hoạt động, anh em công nhân, đặc biệt là những người làm bộ phận kỹ thuật… nhàn tênh.

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm

Khó tin chuyện ngồi trong phòng lạnh nuôi tôm
Từ khi áp dụng công nghệ mới, ao nuôi tôm của Tập đoàn Minh Phú luôn cho sản lượng bội thu

"Mọi nguy cơ tiềm ẩn cho con tôm đều đã được loại bỏ ngay từ khi đầu rồi nên giai đoạn nuôi không còn vất vả nữa", ông Đăng cho biết. Theo ông Đăng, trước đây nuôi theo cách truyền thống là "năm ăn năm thua" thì nay tỉ lệ thành công đã đạt tới gần 90%.

Cũng theo ông Đăng, nuôi tôm công nghệ mới thuận lợi hơn cách nuôi truyền thống là ao nuôi nhỏ hơn, chỉ khoảng 1000-1200m2 cho mỗi ao nuôi, đáy ao lót bạt, trên có lưới che nắng, nước đưa vào nuôi được xử lý ngay từ đầu nên trong quá trình nuôi hầu như không phát sinh mầm bệnh hay sự cố ảnh hưởng đến môi trường sống của con tôm.

"Cũng kích thước ao nuôi ấy, nếu nuôi theo cách cũ thì chỉ đạt chừng 2 tấn/vụ nhưng nuôi theo công nghệ mới thì đạt tới 10 tấn/vụ", ông Đăng cho biết.

"Nuôi tôm công nghệ mới" làm chơi mà ăn thật, ăn chắc, ăn lớn, tuy nhiên, theo ông Chu Hồng Hà, hiện tại chỉ một số doanh nghiệp và số ít các hộ dân nuôi theo phương thức này. "Ai cũng nhìn thấy là chắc ăn, dễ ăn đây nhưng với người dân thì rào cản lớn nhất vẫn là vốn đầu tư", Chu Hồng Hà cho biết.

Theo Phó Giám đốc của Tập đoàn Minh Phú thì chi phí ban đầu cho nuôi tôm công nghệ mới gấp 3-4 lần so với cách nuôi truyền thống. Sau bao năm chìm nổi với con tôm, nhất là trong giai đoạn giá tôm xuống thấp như hiện nay thì vốn để tiếp tục gắn bó với ao đầm là thứ người nuôi tôm đang cần nhất.

Theo ông Chu Hồng Hà, Tập đoàn Minh Phú đang áp dụng công nghệ mới ở cả Kiên Giang và Bà Rịa- Vũng Tàu, hai vùng nuôi tôm trọng điểm của tập đoàn. Sau khi thu hoạch, tôm được chuyển tới 2 nhà máy công suất lớn ở Hậu Giang và Cà Mau chế biến phục vụ cho xuất khẩu.

Hiện tại, tập đoàn xuất khẩu hơn 7.000 mặt hàng liên quan đến con tôm cho hơn 50 quốc gia trên thế giới chủ yếu là những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật… với doanh thu hơ 10 nghìn tỉ đồng mỗi năm.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN