Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:06
RSS

Khi truy tố bác sĩ trở thành một… cơn ác mộng

Thứ tư, 28/06/2017, 15:30 (GMT+7)

Công an Hòa Bình vừa bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương do liên quan đến vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết khiến các y bác sĩ bàng hoàng, thậm chí là ác mộng với ngành y.

Theo số liệu nghiên cứu của Đại học Harvard, trung bình mỗi năm có khoảng 98.000 người Mỹ chết do lỗi sai sót y tế. Một nửa trong số đó là các lỗi mà bác sĩ có thể ngăn ngừa được.

Luật pháp Mỹ quy định, khi một bệnh nhân bị tử vong trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể phải chịu trách nhiệm về sự sơ xuất, ngộ sát, hay giết người ở mức độ 2.

Nhưng các bác sĩ ở Mỹ thật “hạnh phúc”, khi việc truy tố hình sự đối với họ ở Hoa Kỳ lại rất hiếm khi xảy ra.

8 người tử vong khi chạy thận

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị cơ quan công an bắt giam

Cụ thế, theo số liệu nghiên cứu của tác giả Monico E và cộng sự, từ năm 1908 đến năm 1981, tòa án Mỹ mới chỉ truy tố 15 bác sĩ. Gần đây có tăng lên, từ năm 1984 đến năm 2004 truy tố 15 người. Cả 30 vụ án Hoa Kỳ đưa ra xét xử trong suốt một thế kỉ, đều liên quan đến cái chết của một hay nhiều bệnh nhân.

Thực hành y khoa là một công việc rất đặc biệt, ở đó luôn tiềm ẩn những rủi ro và những điều không chắc chắn. Bác sĩ không bao giờ có thể đảm bảo chẩn đoán của họ là chính xác, y lệnh hay các thủ thuật không ai dám đảm bảo khi thực hiện sẽ không xảy ra tai biến.

Có những cái chết hoàn toàn tránh được nhưng trong khoảnh khắc nào đó bác sĩ để xảy ra sơ xuất, đó là ác mộng với chính bác sĩ, là bài học sâu sắc với tất cả các đồng nghiệp. Những bệnh nhân may mắn thoát nạn hoặc gia đình của họ, có thể khởi kiện bác sĩ; nhưng công tố viên ở Mỹ rất rất hiếm khi cho rằng những hành vi gây chết người của bác sĩ đủ yếu tố cấu thành tội hình sự.

tai biến y klhoa chạy thận

Bác sĩ Trần Văn Phúc thăm khám cho bệnh nhân

Để truy tố một bác sĩ, tòa án ở Mỹ không chỉ dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm như ngoài xã hội mà bắt buộc phải xem xét trạng thái tâm lí bác sĩ khi thực hiện các thủ tục y tế, bắt buộc phải tham khảo ý kiến của hội đồng chuyên gia y tế. Như vậy, vai trò cũng như tiếng nói của các hội nghề nghiệp thực sự rất quan trọng để quyết định có hay không truy tố bác sĩ tội hình sự.

Về vụ việc ở Hòa Bình, cơ quan công an đã làm đúng chức năng khi thực hiện lệnh bắt khẩn cấp bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.” – Điều 242 Bộ luật hình sự.

Nhưng tôi cho rằng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án rất cần xem xét lại động cơ phạm tội của bác sĩ Lương, cần hơn nữa là tham khảo ý kiến của các hội nghề nghiệp. Tôi đặc biệt đánh giá rất cao đơn kiến nghị của Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Gia Bình ký, gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tôi cho rằng, truy tố bác sĩ thực sự là một cơn ác mộng. Khi thông tin bác sĩ Lương bị bắt tạm giam lan tỏa trên các báo, cộng đồng bác sĩ chúng tôi đã rúng động, không ai có thể ngồi yên.

Tôi rất mong cơ quan chức năng hãy tham khảo phán quyết của Tòa án tối cao Massachusetts năm 1980: “Bác sĩ sẽ được bảo vệ, nếu hành động của bác sĩ dựa trên sự phán đoán có thiện chí tốt dành cho người bệnh”.

Chúng tôi, tập thể, những người bạn, những đồng nghiệp thân thiết của BS Lương, mong muốn được chia sẻ gánh nặng tài chính cùng BS Lương và gia đình trong vụ án này.

Bác sĩ Hoàng Công Lương (sinh năm 1986). Học lớp K37B- Đại học Y Dược Thái Nguyên. Suốt thời gian đi học, bác sĩ Lương được bạn bè luôn là người chăm chỉ, cầu tiến, hòa đồng, được các thầy cô yêu mến. Bác sĩ Lương là người phụ trách chuyên môn khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên thận nhân tạo BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong công việc anh luôn được các đồng nghiệp, cấp trên tín nhiệm, bệnh nhân yêu mến, quý trọng. Hiện bác sĩ Lương đã có gia đình với 2 con nhỏ 07 tháng tuổi và 4 tuổi. Bố mẹ bác sĩ Lương làm nghề nông.
Ngày 27/6, Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc Việt Nam đã ký đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Công an về việc bắt bác sĩ Hoàng Công Lương.

Trong đơn kiến nghị, GS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức- Cấp cấp cứu và chống độc Việt Nam cho rằng, việc khởi tố, bắt giam bác sĩ Lương là không thoả đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế. GS. Bình cho rằng về quy trình chuyên môn, việc cung cấp nguồn nước đủ tiêu chuẩn lọc máu là trách nhiệm của ban giám đốc BV các phòng ban và nhân viên kỹ thuật được phân công. 

Việc bàn giao sau bảo trì là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị, nguồn nước khi đó đương nhiên phải đảm bảo chất lượng, do số lượng bệnh nhân đông nên phải tính toán thời gian giữa các ca lọc máu, bác sĩ cũng đã nhận bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm. 

Vì vậy, ông Bình cho rằng việc công an kết luận bác sĩ Lương không biết chất lượng nước có đảm bảo hay không mà vẫn đưa hệ thống vào sử dụng, gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục.

(Tiêu đề bài viết đã được Đời sống Plus đặt lại).

Trần Hiếu
Theo Phụ Nữ Việt Nam