Chủ nhật, 19/01/2025 | 05:51
RSS

Khách sạn Mỹ Kinh: 'Hàm cá mập nuốt đền Bạch Mã'?

Thứ ba, 08/05/2018, 16:29 (GMT+7)

Không gian đền Bạch Mã đang bị “chèn ép” và có dấu hiệu bị xâm phạm bởi công trình Khách sạn Mỹ Kinh, 72-74 phố Hàng Buồm.

Khách sạn Mỹ Kinh xâm phạm đền Bạch MãTheo quan sát, khách sạn Mỹ Kinh có chiều cao gấp 3 lần đền Bạch Mã

Khách sạn Mỹ Kinh được xây dựng tại số 72 - 74 phố Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), do Công ty Cổ phần du lịch Thương mại Mỹ Kinh làm chủ đầu tư. Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015.

Với vị trí liền kề đền Bạch Mã, khách sạn Mỹ Kinh lâu nay luôn bị dư luận phản ứng vì đã lấn át không gian di tích lịch sử, thậm chí có dấu hiệu xâm phạm đến đền Bạch Mã - một di tích lịch sử linh thiêng và rất lâu đời.

Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, dân gian gọi là “rốn rồng” của Kinh thành Thăng Long xưa, tọa lạc tại số nhà 76 phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) có kiến trúc cổ kính với niên đại cả ngàn năm, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa. Công trình khách sạn được chủ đầu tư xây dựng với chiều cao 5 tầng. Trong đó, các tầng 3, 4, 5 của khách sạn này “ngự” trên đầu đền Bạch Mã, trông rất phản cảm.

Khách sạn Mỹ Kinh xâm phạm đền Bạch MãKhách nghỉ trong khách sạn có thể quan sát đền Bạch Mã từ trên cao

Ngày 24/10/2013, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội” với độ dài lên tới 51 trang. Trong đó, vai trò của Khu phố cổ được nhấn mạnh: “Là di tích cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Phần lớn nhà ở có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân xen kẽ, có mái dốc lợp ngói”.

Theo đó, quy định cụ thể: các công trình xây dựng đối với lớp nhà mặt phố chỉ được phép từ 1-3 tầng, chiều cao 6-12m; đối với lớp phía sau chỉ từ 2-4 tầng, chiều cao 10-16m; khoảng lùi tối thiểu của lớp phía sau là 4-6m.

Hơn thế nữa, theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND đã nêu ở trên, khách sạn Mỹ Kinh đã phá vỡ quy hoạch lớp nhà mặt phố cổ, từ số tầng và chiều cao cũng như mục đích sử dụng. Bởi lẽ, quyết định của UBND TP Hà Nội đã quy định rất cụ thể: chỉ có tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải mới được phép xây dựng các công trình đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng.

Khách sạn Mỹ Kinh xâm phạm đền Bạch MãKS Mỹ Kinh không chỉ phá vỡ quy hoạch phố cổ, mà còn xâm phạm di tích lịch sử quốc gia

Một cụ già là hội viên Hội người cao tuổi phường Hàng Buồm bức xúc: “Không biết các lực lượng chức năng làm việc thế nào, nhưng từ khi thấy họ xây dựng, chúng tôi đã nhiều lần thắc mắc, kiến nghị về việc một công trình lớn kinh doanh khách sạn đang có hiện tượng lấn át khu đền Bạch Mã và có dấu hiệu xâm phạm không gian khu di tích lịch sử đặc biệt này”.

Nếu như trước đây dư luận từng kịch liệt phản đối Tòa nhà “Hàm cá mập nuốt trọn Hồ Gươm”, thì hiện nay dư luận đang ngày càng khó hiểu và bức xúc khi nhìn vào khách sạn Mỹ Kinh và ngôi đền Bạch Mã.

Theo đó, có người ví von khách sạn Mỹ Kinh như một cái “hàm cá mập nuốt trọn Đền Bạch Mã”. Đó là sự “tức mắt” khó diễn tả, khi một nơi linh thiêng của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay lại bị lấn át bởi một khách sạn “sừng sững như một tảng đá đè nặng phía trên”.

Phải chăng, người ta chỉ nhìn thấy yếu tố kinh tế mà hoàn toàn không mảy may nghĩ rằng việc cấp phép xây dựng khách sạn Mỹ Kinh là “nhát dao lách vào yết hầu” của một trong những Thăng Long tứ chấn - Đền Bạch Mã.

Không rõ khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép xây dựng công trình khách sạn Mỹ Kinh, các cơ quan ban ngành có xem xét kỹ càng đến tất cả các yếu tố lịch sử, văn hóa xung quanh, đặc biệt là ngôi đền Bạch Mã linh thiêng?

Câu trả lời và tiếng nói của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa sẽ được gửi đến quý vị độc giả trong thời gian tới.

Đền Bạch Mã thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, được xây từ năm 866 và được hoàn thiện vào năm 1010 dưới thời vua Lý Thái Tổ. Đây là một ngôi đền lớn có kiến trúc cổ, quy mô bề thế còn lưu giữ được những nét kiến trúc đặc sắc thời Lý, Trần.

Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Đây là một trong Thăng Long tứ trấn: phía đông là đền Bạch Mã, phía Tây là đền Voi Phục (thờ hoàng tử Linh Lang đại vương), phía bắc là đền Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn đại vương (tức Kim Liên ngày nay).

Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986 và được trùng tu tôn tạo nhiều lần.

Đời Sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hữu Nam-Bích Phương
Theo Đời sống Plus/GĐVN