Thứ năm, 12/09/2024 | 19:17
RSS

Kết quả khó tin số ca tai nạn liên quan rượu bia sau khi có Nghị định 100

Thứ năm, 09/01/2020, 13:24 (GMT+7)

Theo Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Thanh Nhàn, thông thường thời điểm gần tết, số ca tai nạn giao thông liên quan rượu bia tăng cao tuy nhiên từ khi có nghị định 100, cả tuần nay không có bệnh nhân nhập viện.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định một loạt hành vi như: Cấm người lái xe uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông với mức phạt cao hơn rất nhiều sơ với Nghị định 46 (năm 2016) trước đây. 

Ghi nhận của phóng viên tại bệnh viện Thanh Nhàn, số ca bệnh nhập viện do tai nạn giao thông tại 2 khoa "nóng" nhất là Hồi sức tích cực và chấn thương chỉnh hình đã giảm hẳn.

Bệnh viện cả tuần không có ca tai nạn liên quan rượu bia sau khi có Nghị định 100
Ths.Bs Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân.

Theo Ths.Bs Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Thanh Nhàn, từ khi thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ về việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu bia đã giảm đáng kể. Bình thường, mỗi ngày tại khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-130 bệnh nhân, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, chỉ còn khoảng 60-70 ca cấp cứu. Điều đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.

“Trước đây, bệnh nhân nhập viện cấp cứu bị đa chấn thương rất nặng do uống rượu, đặc biệt là những đối tượng thanh niên. Những ngày Tết, lượng người tham gia giao thông nhiều, chúng tôi cũng bố trí các kíp trực. Năm nay, các bác sĩ cũng đỡ vất vả hơn vì Luật Phòng chống tác hại rượu bia ban hành, lượng bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu bia đã giảm”- BS Vũ Xuân Hùng cho biết.

Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn, mấy ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia cũng giảm hẳn. Theo BS Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, trước khi Nghị định 100 ban hành, lượng bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia khá nhiều. 

“Lượng bệnh nhân vào khoa trong tình trạng ngộ độc rượu bia giảm đáng kể. Điều này có hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, cũng như giảm tải áp lực cho các bác sĩ, đặc biệt là những bác sĩ bên Khoa hồi sức cấp cứu và chống độc trong các ca trực”, BS Dẫn cho biết.

Bệnh viện cả tuần không có ca tai nạn liên quan rượu bia sau khi có Nghị định 100 2
Bệnh nhân cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực.

Bên cạnh nỗi lo về tai nạn do rượu bia là tình trạng bệnh nhân nhập viện bị ngộ độc rượu, tổn thương đến hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa nặng nề, suy đa tạng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì thế Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Thanh Nhàn khuyến cáo cộng đồng, đặc biệt là trong những dịp cuối năm, không nên sử dụng rượu bia ở các cuộc liên hoan tránh rủi ro không đáng có trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị cồn tương đương với 2/3 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%). Như vậy nếu một người khỏe mạnh, không có bệnh lý gì kèm theo, khi uống 1 đơn vị cồn phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

Theo khuyến cáo của đại diện đoen vị soạn thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, người dân tốt nhất là không nên uống rượu bia. Nếu có uống, nên hạn chế ở mức nguy cơ thấp. Con số mà WHO đưa ra là nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. Tuy nhiên với thể trạng thấp bé của người Việt Nam, để an toàn, lượng cồn tiêu thụ cần phải thấp hơn cả mức trên.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN