Trước đó, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thống kê, từ ngày 1 đến 6/1 đã xử phạt hơn 100 trường hợp lái xe uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 4 ôtô, 80 xe máy. Mức phạt cao nhất đối với một tài xế ôtô là 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Còn mức phạt cao nhất đối với tài xế xe máy là 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.
Lực lượng chức năng xử lý lái xe vi phạm giao thông.
Trao đổi với PV Dân Việt về các giải pháp hạn chế tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng chức năng với người uống rượu bia, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Việc tiêu cực trong quá trình xử phạt lái xe uống rượu bia vi phạm nồng độ cồn sẽ không thể xoá triệt để hết được. Tôi nghĩ còn có thể tăng tình trạng tiêu cực nhiều hơn. Đối với mức xử phạt cao như thế không thể tránh được việc tài xế thoả thuận tiêu cực với một số ít người thực thi pháp luật để được bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn”.
“Lúc đầu khi Nghị định 100 còn mới nên vai trò, vị trí là rất cao, dư luận vẫn còn hoan hô lực lượng chức năng thực thi đúng theo Nghị định về phòng chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, về lâu về dài thì vẫn giữ được vai trò như vậy nhưng tình hình tiêu cực không thể là không xảy ra được. Vấn đề vi phạm để xử lý phạt tiền ở mức rất cao với quy định hiện hành. Ví dụ như mức khung cao nhất là phạt tới 40 triệu đồng và giữ giấy phép lái xe tới 2 năm. Qua đó, việc tiêu cực là khó tránh khỏi”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nhìn nhận.
ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, với mức phạt cao như 40 triệu và giữ GPLX như vậy thì sẽ có rất nhiều lái xe uống rượu bia sẵn sàng chung chi bỏ ra 10 triệu, 20 triệu để thoả thuận với cán bộ xử lý vi phạm để được bỏ qua lỗi. Muốn ngăn chặn được tình trạng tiêu cực này chỉ có thể ngăn chặn từ người xử lý vi phạm, cán bộ phải công tâm, khách quan thì mới ngăn chặn được.
Hiện nay, tài xế họ có mỗi GPLX để làm việc kiếm sống, nuôi bản thân và gia đình, nếu giữ bằng lái tới 2 năm thì họ sẽ sống bằng cách nào? Đối với tài xế thì chẳng có ai muốn và chịu mức phạt tới 40 triệu đồng và giữ GPLX đâu, cho nên họ phải tìm được bằng mọi cách để xin được bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Thực tế, thời gian vừa qua đã có tình trạng CSGT tiêu cực rồi và có những cán bộ cũng đã bị kỷ luật nặng. Do đó, để ngăn chặn tiêu cực đều nằm trong tay của người cán bộ thực thi pháp luật. Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, lực lược chức năng, CSGT khi làm nhiệm vụ.
Việc chung chi tiêu cực này cũng chỉ có tài xế và cán bộ xử lý biết với nhau thôi, sẽ chẳng có ai nói ra đâu vì theo luật pháp của chúng ta tội đưa nhận hối lộ sẽ xử lý cả người đưa và người nhận nên chẳng có tài xế nào ngu đến mức đã đi hối lộ cán bộ rồi lại còn đi công khai việc đưa hối lộ.
Nhìn nhận về những tác động của Nghị định 100 đối với xã hội, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng: “Chắc chắn nghị định sẽ tác động rất lớn đối với xã hội. Trong đó, tình trạng tai nạn giao thông sẽ giảm, người uống bia cũng sẽ ít đi rất nhiều. Cùng với đó, doanh thu của các nhà hàng, doanh nghiệp sản xuất bia rượu cũng sẽ sụt giảm đi rất nhiều, nguồn thu ngân sách từ ngành bia rượu cũng sẽ giảm. Cùng với đó, ngành dịch vụ vận tải cũng sẽ tăng trưởng lớn, đặc biệt là dịch vụ chở người uống rượu bia về nhà”.