Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:24
RSS

Kẻ rải đinh trên cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 21/12/2018, 21:42 (GMT+7)

Luật sư đã có những tư vấn về vụ việc đối tượng rải đinh trên cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện.

Kẻ rải đinh trên cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện bị xử lý thế nào?Đối tượng Lê Trung Hiếu tại cơ quan điều tra

Mới đây Công an TP. Hải Phòng vừa tiến hành bắt giữ Lê Trung Hiếu - kẻ có hành vi rải đinh trên cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện gây xôn xao trong dư luận thời gian qua.

Theo đó, khoảng thời gian đầu tháng 11/2018, đối tượng mở quán sửa chữa xe máy Hiếu Anh gần chân cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện. Đối tượng đã nảy sinh ý định rải đinh để các xe lưu thông qua bị hư hỏng sau đó đến sửa chữa để kiếm tiền.

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội đã có những chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý.

Theo Luật sư Cường, hành vi rải đinh, những vật liệu sắc nhọn trên đường là những hành vi hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông hoặc ít nhất là cũng gây thiệt hại về kinh tế cho người tham gia giao thông và cản trở việc tham gia giao thông, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội. Có những lúc, những nơi nạn “đinh tặc” đã gây nhức nhối trong dư luận, khiến nhiều người bức xúc, phẫn nộ.

Trước khi ban hành bộ luật hình sự 2015 thì hành vi này thường chỉ sự phạt hành chính, mức cao nhất có thể lên tới 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 11, Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ Tại khoản 6.

“Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông...”

Tuy nhiên, khi bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực pháp luật thì hành vi rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác lên đường giao thông sẽ bị xử lý về “Tội cản trở giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ 1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn…, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Như vậy với hành vi rải đinh trên đường mà bị phát hiện thì có thể sử bị xử lý hình sự, chế tài là phạt tiền hoặc xử phạt đến 03 năm tù (cho dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng), còn nếu hành vi rải đinh dẫn đến tai nạn chết người thì có thể bị xử lý đến 10 năm tù.

Kẻ rải đinh trên cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện bị xử lý thế nào?2Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư Hà Nội

Điều 261: Tội cản trở giao thông đường bộ.

1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; b) Làm chết 02 người; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các Điểm a, b và c Khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.”

Xem thêm:

NSND Anh Tú qua đời ở tuổi 56 vì biến chứng tiểu đường

T.K
Theo Đời sống Plus/GĐVN