Thứ sáu, 19/04/2024 | 06:47
RSS

Kế hoạch ứng phó với 500 ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM

Thứ năm, 09/04/2020, 14:19 (GMT+7)

TP.HCM vừa có công văn khẩn, lên kế hoạch sẵn sàng đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế cho tình huống có đến 500 người dương tính với virus corona.

Kế hoạch ứng phó với 500 ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM
Bên trong khu điều trị covid-19 tại BV dã chiến Củ Chi. Ảnh: TS.

Ngày 8/4, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa có công văn khẩn ban hành Kế hoạch điều trị ứng phó tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo đó, TP HCM đã chuẩn bị sẵn sàng 3.700 giường điều trị và 150 giường hồi sức tại 6 bệnh viện cùng thêm khu cách ly của các bệnh viện hiện hữu, nếu có đến 500 bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cụ thể, BV Bệnh nhiệt đới có 400 giường điều trị và 40 giường hồi sức; tương tự, BV dã chiến Củ Chi là 300 - 20; BV điều trị Covid-19 Cần Giờ là 600 - 20; BV điều trị Covid-19 Quận 9 là 1.000 - 30; BV Nhi đồng TP là 100 - 10; Nhi đồng 2 có 100 - 10; Khu cách ly của các bệnh viện hiện hữu là 1.200 - 150.

Ngoài ra, với 500 ca bệnh Sở cũng phân cấp nguồn lực chăm sóc và điều trị. Cụ thể, chăm sóc 500 ca dương tính sẽ có 100 bác sĩ và 350 điều dưỡng; chăm sóc 3.200 ca nghi nhiễm có 448 bác sĩ và 896 điều dưỡng.

Nếu trường hợp bệnh nhân đông, TP.HCM sẽ luân chuyển nhân viên y tế, thay phiên từ các bệnh viện công lập đến công tác, khám chữa tại các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, vật tư y tế, thuốc, hóa chất và các phương tiện phòng hộ đã sẵn sàng, đảm bảo công tác điều trị Covid-19 hiệu quả nhất.

Các thiết bị sẵn có tại bệnh viện nếu chưa đủ, TP sẽ sẵn sàng bổ sung các trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh nặng cho các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện điều trị Covid-19.

Riêng các BV chuyên khoa nhi phải có đủ cơ số giường và trang thiết bị phù hợp. Trong trường hợp quá tải, sẽ tiếp nhận thêm cả các bệnh nhân trên 16 tuổi. Đồng thời TP sẽ bổ sung các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được điều động từ các bệnh viện khác.

Trung tâm Cấp cứu 115 bổ sung đầy đủ xe cấp cứu chuyên dụng. Đặc biệt là xe cấp cứu có phòng áp lực âm cho mạng lưới cấp cứu bên ngoài bệnh viện để vận chuyển người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19.

Không chỉ riêng TP.HCM chuẩn bị những phương án ứng phó với những tình huống cấp bác nhất. TP Hà Nội trước đó cũng đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực đầy đủ để điều trị cho 1.000 đến 3.000 người mắc Covid-19.

Báo VNE thông tin, các bệnh viện mũi nhọn là Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông có phương án chuẩn bị 1.000 giường bệnh chống dịch. Các bệnh viện phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc, trang bị, vật tư, tổ chức diễn tập sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống ca bệnh xảy ra. 

Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thủ đô đã hoàn thiện phương án thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô mỗi bệnh viện 600 giường bệnh. 

Thành phố thành lập 5 đội phản ứng nhanh luôn thường trực sẵn sàng 24/24 giờ, tổ chức xuống thực địa để triển khai các biện pháp khoanh vùng, điều tra, xử lý ổ dịch, lấy mẫu bệnh phẩm tất cả trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để làm xét nghiệm.

Trong trường hợp cần thiết, có thể huy động tất cả các đội chống dịch cơ động của các quận, huyện tham gia hỗ trợ nhằm đảm bảo tối đa lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Khoa Xét nghiệm của các bệnh viện sẽ thường trực suốt ngày đêm, đảm bảo đủ nhân lực phục vụ công tác lấy mẫu tất cả trường hợp nghi nhiễm. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm khi có yêu cầu. 

Theo Báo Chính Phủ đưa tin, Trao đổi với báo chí, TS. Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng trang thiết bị, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để điều trị cho 1.000 người mắc Covid-19 một lúc. Trong đó, 30% bệnh nhân nặng phải thở máy.

Hà Nội đã chuẩn bị cho kịch bản ứng phó với cấp độ 4 của dịch, theo phương châm 4 tại chỗ. Đảm bảo nhân lực tham gia điều trị được tập huấn phác đồ điều trị, chuyên môn, kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn với mục tiêu cứu chữa khỏi cho người bệnh và giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm trong khối bệnh viện, các cán bộ y tế, giữa các nhân viên phục vụ và người bệnh.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN