Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:16
RSS

Kẻ giả mạo Tuấn 'khỉ' gọi điện cho hiệp sĩ bị tâm thần thì xử lý sao?

Thứ hai, 10/02/2020, 14:38 (GMT+7)

Công an tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị này đã mời S.Q.K. (21 tuổi, ngụ xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau) lên làm việc để làm rõ về thông tin mạo danh Lê Quốc Tuấn (còn gọi Tuấn "khỉ").

Ngày 8/2, thông tin từ Công an tỉnh Cà Mau cho Tuổi Trẻ biết đơn vị này đã mời S.Q.K. (21 tuổi, ngụ xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau) lên làm việc để làm rõ về thông tin mạo danh Lê Quốc Tuấn (còn gọi Tuấn "khỉ", 33 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, nghi phạm dùng súng AK bắn chết 5 người chết và 1 người bị thương), gọi cho "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải... đề nghị dàn xếp đầu thú.

Làm việc với cơ quan chức năng, K. cho biết mình đọc báo và xem trên mạng xã hội biết vụ nghi phạm Tuấn "khỉ" dùng súng AK bắn chết người trên địa bàn Củ Chi, đồng thời lực lượng công an đang truy bắt và kêu gọi Tuấn "khỉ" ra đầu thú. Qua tìm hiểu, K. biết được số điện thoại của "hiệp sĩ" Nguyễn Thanh Hải (ngụ thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), nên đã mạo danh mình là Tuấn "khỉ", gọi nhờ ông Hải đưa đi đầu thú. 

Đối tượng K. cũng khai báo sau khi gọi điện xong, do bị vợ la nên gỡ bỏ sim điện thoại. Đối tượng K. cho biết mục đích mạo danh Tuấn "khỉ" gọi cho ông Hải là để chọc phá chơi. Trong quá trình làm việc với công an, K. có trình một giấy chứng nhận tâm thần. 

Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, liên quan tình tiết trên, cần xác minh làm rõ giấy chứng nhận tâm thần mà người đàn ông tên K. xuất trình. Bởi người tâm thần không thể minh mẫn đến mức nghĩ ra những chiêu trò tinh vi như vậy để lừa dối cơ quan chức năng, làm nhiễu loạn thông tin trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vậy.

Nếu kẻ giả mạo Tuấn 'khỉ' gọi điện xin đầu thú bị tâm thần thì xử lý sao?
Có kẻ đã giả mạo Tuấn 'khỉ' gọi điện đầu thú. Ảnh: Cơ quan công an

Đối với những người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm pháp luật mà họ gây ra. Tuy nhiên, khi xem xét quyết định mức phạt, hình phạt, cơ quan chức năng sẽ áp dụng một mức phù hợp bởi yếu tố bệnh lý. Việc hạn chế khả năng nhận thức do yếu tố bệnh lý được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ giấy chứng nhận tâm thần mà K. xuất trình là thật hay giả, nội dung của giấy chứng nhận tâm thần này thể hiện như thế nào, người đàn ông này có mất khả năng nhận thức hay không.

Trong vụ việc này, mức độ nhận thức, điều khiển hành vi, cũng như động cơ mục đích giả mạo thông tin của Tuấn "khỉ" và những hậu quả của hành vi này gây ra sẽ quyết định đến việc người đàn ông này có bị xem xét xử lý hay không và xử lý ở mức độ như thế nào: có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp đối tượng K. đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố ý thực hiện hành vi để cản trở hoạt động điều tra thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn trường hợp nhận thức hạn chế, mục đích không phải để cản trở hoạt động điều tra mà chỉ là trêu đùa đối với Hiệp sĩ Hải thì chỉ có thể bị xử phạt hành chính nếu người này đủ tỉnh táo, minh mẫn lúc thực hiện hành vi.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN