Theo Strait Times, số người số người chết trong thảm họa kép động đất và sóng thần hôm 28/9 đã lên đến hơn 1.200 người. Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) nhấn mạnh rằng đây chưa phải là con số cuối cùng, vì đội cứu hộ chưa thể dọn dẹp toàn bộ đống đổ nát.
“Con số thương vong sẽ còn tiếp tục tăng cao”, phát ngôn viên BNPB, Sutopo Purwo Nugroho nói. “Ngày hôm nay, chúng tôi bắt đầu an táng hàng loạt nạn nhân, để tránh phát tán bệnh dịch”.
Các nhà chức trách Indonesia đã bắt đầu đào một ngôi mộ khổng lồ để an táng các nạn nhân của trận động đất, sóng thần tấn công vào miền trung nước này hôm 28/9.
Ngôi mộ được đào tại thành phố Palu dành cho 300 nạn nhân sẽ rộng 10m, dài 100m và có thể được nới rộng ra nếu cần thiết, hãng thông tấn AP dẫn lời ông Willem Rampangilei, Giám đốc Cơ quan Giảm thiểu Thảm họa Quốc gia Indonesia cho biết.
"Công việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì lý do y tế và tôn giáo", ông Willem nói thêm.
Lực lượng cứu hộ trên đảo Sulawesi đang chạy đua với thời gian và cố gắng khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị nhằm cứu những người còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Tại riêng một khách sạn ở thành phố Palu, 60 người có thể còn đang mắc kẹt. Nhân viên cứu hộ cho biết họ nghe thấy tiếng nói và tiếng trẻ con khóc.
Trên Twitter, người phát ngôn của cơ quan ứng phó thảm họa khuyến cáo người dân cảnh giác với các dự báo giả về sóng thần và động đất đang xuất hiện trên mạng xã hội
Trận động đất 7,5 độ kéo theo sóng thần ập vào bờ biển Palu hôm 28/9. Động đất đã ảnh hưởng tới cả Makassar, thành phố lớn nhất ở phía nam đảo Sulawesi, và Kalimantan, phần lãnh thổ của Indonesia trên đảo Borneo. Khoảng 2,4 triệu người được cho là đã cảm nhận được cơn địa chấn.
Ước tính 16.700 người bị mất nhà cửa bởi trận động đất và khoảng 2,4 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa kép.