Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:57
RSS

Hy hữu: Người mua bán đất tự thành lập … quận!

Thứ tư, 04/09/2019, 13:38 (GMT+7)

Ngoài ra, các hợp đồng mua bán này còn có dấu hiệu gian dối, chỉnh sửa lùi thời gian ký kết để hợp thức hóa hồ sơ…

Lùi ngày ký hợp đồng, tự ý thành lập … quận!

Ngày 16/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1042 phê duyệt đầu tư hạ tầng dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, Quận 2, TP. HCM cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC).

Ngày 13/8/1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 783 thu hồi 131ha đất nằm trên địa bàn các phường An Phú, Bình An, Bình khánh thuộc Quận 2 giao cho HDTC thực hiện dự án. 

Sau khi có các quyết định của Thủ tướng, UBND Quận 2 thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư tiến hành thông báo và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017 đến năm 2019, Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án và UBND phường An Phú phát hiện rất nhiều hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các chủ đất có dấu hiệu gian dối. Theo quy định, khi Thủ tướng ký Quyết định số 1042 (phê duyệt đầu tư hạ tầng dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh) và Quyết định số 783 (thu hồi 131ha đất nằm trên địa bàn các phường An Phú, Bình An, Bình khánh thuộc Quận 2 giao cho HDTC thực hiện dự án) thì việc mua bán, chuyển nhượng đất tại khu vực này bị nghiêm cấm. 

Tuy nhiên, dù biết đất trong Dự án An Phú - An Khánh khi có quyết định của Thủ tướng về lập dự án khu đô thị sẽ không được mua bán, nhưng chủ đất tại dự án này vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng với nhiều người. Để hợp thức hoá việc chuyển nhượng trái phép này, các hợp đồng chuyển nhượng được hai bên ghi lùi ngày ký kết đến trước ngày 13/8/1999, tức sau ngày Thủ tướng ký quyết định thu hồi đất để được nhận đền bù về đất hoặc đền bù tiền với giá thị trường không theo giá quy định của Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hy hữu: Người mua bán đất tự thành lập … Quận
Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Khâm với ông Huỳnh thể hiện năm ký là 1995, địa chỉ ông Khâm trong hợp đồng chuyển nhượng là 771, tổ 23, phường An Phú, Quận 2, TP.HCM. Tuy nhiên, đây là thời điểm Quận 2 chưa được thành lập. 

Đơn cử, khi tiếp nhận hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban bồi thường phát hiện có 45 hồ sơ chủ đất mua lại của ông Nguyễn Văn Thấm (sinh năm 1931) và bà Nguyễn Thị Lành (vợ ông Thấm) với tổng diện tích đất 7.625m2 có dấu hiệu gian dối.

Theo đó, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất này đều ghi thời gian mua là từ năm 1992, 1993, 1994, 1995; người bán là ông Nguyễn Văn Thấm và bà Nguyễn Thị Lành. Các hợp đồng mua bán này thể hiện, cả ông Thấm và bà Lành đều có  địa chỉ tại số 771, tổ 23, phường An Phú, Quận 2, TP HCM. 

Thực tế, khoảng thời gian ghi trên hợp đồng vào các năm 1992, 1993, 1994, 1995 thì khi đó địa danh phường An Phú, Quận 2 chưa ra đời. Địa chỉ hành chính thời điểm này là ấp An Điền, Xã An Phú, Huyện Thủ Đức. Cho đến ngày 06/1/1997, Thủ tướng Chính phủ mới ký Nghị định 03/CP quyết định thành lập Quận 2. Và kể từ ngày 01/4/1997, Quận 2 mới có tên trên bản đồ hành chính của TP.HCM.  

Về phía người nhận chuyển nhượng, trong nhiều hợp đồng đều ghi địa chỉ cư trú là TP. Vũng Tàu hoặc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời điểm năm 1992, tên gọi hành chính của tỉnh này là UBND đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.
Đặc biệt, khi làm việc tại UBND phường, các con ông Nguyễn Văn Thấm là bà Nguyễn Thị Hồng Hoa và ông Nguyễn Văn Hội khẳng định từ năm 1997 trở về sau (thời điểm thành lập Quận 2) gia đình mới ký bán 45 lô đất này.

Một trong các bằng chứng khác thể hiện các lô đất này được bán sau năm 1997, là bởi vào năm 1999, khi thực hiện kê khai đất theo quyết định của Chính phủ, các lô đất này đều do ông Nguyễn Văn Thấm làm chủ đứng tên kê khai mà không phải bên mua đất. Chủ đất cũng không có phiếu nộp các loại thuế về đất đã mua để chứng minh mình là chủ đất.

Được biết, đến năm 2015 thì ông Thấm mất, nhiều ý kiến cho rằng sau khi ông Thấm mất thì các hợp đồng chuyển nhượng được ghi lùi về thời điểm từ 1992 - 1995 để tránh việc công chứng cũng như quy định không được mua bán đất khi dự án đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư.

Theo phân tích của chuyên gia pháp lý, việc lùi ngày ký hợp đồng ngoài mục đích “né” Quyết định số 783, thì chủ thể trong các giao dịch này còn kéo lùi thời gian ký hợp đồng về mốc thời gian 1992, 1993, 1994, 1995 nhằm tránh phải có chứng thực của cơ quan chức năng (như UBND phường) trên các hợp đồng chuyển nhượng. Nếu các hợp đồng này được thực hiện sau thời điểm 1997 thì bắt buộc phải có chứng thực của UBND phường, xã… 

Phân lô bán nền đất ruộng

Theo UBND phường An Phú, phần đất mà ông Thấm bán cho các trường hợp nêu trên là đất nông nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận, chưa có giấy tờ hợp pháp theo quy định, nằm trong quy hoạch phải thu hồi đất. “Việc gia đình ông Nguyễn Văn Thấm tự phân chia, tách thành các thửa nhỏ để chuyển nhượng bằng giấy tay cho các hộ dân là không đúng trình tự, thủ tục quy định.

Việc các hộ dân mua bán, nhận chuyển nhượng đất bằng giấy tay sau ngày có quyết định thu hồi đất là không đúng quy định”, báo cáo của UBND phường An Phú cho biết. 

Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo mới đây của UBND phường An Phú cũng cho thấy, tại phần trả lời bà Trần Thị Hà, báo cáo của phường này cho biết, theo tờ trình nguồn gốc đất ngày 15/9/2017 cuỷa bà Hà, thì bà Hà có nhận chuyển nhượng từ ông Nguyễn Văn Thấm 500m2 đất vào năm 1993.

Hy hữu: Người mua bán đất tự thành lập … Quận
Các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giữa ông Khâm với người mua là đất nông nghiệp, hợp đồng chỉ là giấy viết tay, không có sự xác thực của cơ quan có thầm quyền. 

Tại biên bản làm việc ngày 23/5/2018 của UBND phường An Phú với bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Nguyễn Văn Hội, Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thị Hồng Nga, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Văn Hài (các con của ông Thấm) đều khẳng định thời điểm chuyển nhượng toàn bộ khu đất nêu trên là sau năm 1997.

UBND phường An Phú cho rằng, việc các hộ dân tường trình và cung cấp giấy tờ mua bán xác định thời điểm chuyển nhượng vào các năm 1992, 1993, 1995 là không phù hợp, thời điểm gia đình ông Thấm tự phân chia đất và chuyển nhượng là sau năm 1997. 

Đại diện HDTC cho biết, những hợp đồng chuyển nhượng có dấu hiệu gian dối nói trên đã làm cho 7.625m2 đất trong dự án không thể triển khai giải phóng mặt bằng, một mảnh đất phải đền bù cho nhiều người, phá vỡ cảnh quan quy hoạch chung của thành phố, nếu không ngăn chặn kịp thời số tiền thất thoát rất lớn gây thêm thiệt hại nghiêm trọng cho công ty (trong đó 30% là của nhà nước). 

Được biết, thời gian vừa qua nhóm khách hàng còn tổ chức đưa người đến trụ sở công ty gây áp lực, làm mất trật tự an ninh. 

Để nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc, đã đến lúc cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có biện pháp làm rõ những giao dịch có dấu hiệu trái pháp luật nói trên. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần sớm chuyển cơ quan điều tra khởi tố, xử lý hình sự đối với những người cố tình nguỵ tạo những thông tin gian dối trong các hợp đồng mua bán phần đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Thấm…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

Tài liệu PV có được cho thấy, 45 hợp đồng mua bán, chuyển nhượng giữa ông Nguyễn Văn Thấm với người mua đất tại đây đều thực hiện theo giấy viết tay. Ví dụ, Hợp đồng chuyển nhượng đất đai giữa ông Thấm với ông Nguyễn Đức Huỳnh ký vào ngày 23/9/1995 ngoài chữ ký của bên bán và bên mua thì có thêm chữ ký của người làm chứng, hợp đồng này không có chứng thực của cơ quan quan có thẩm quyền.

Theo luật gia Võ Xuân Đạt, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này. Như vậy, các hợp đồng chuyển nhượng chỉ đủ điều kiện việc chuyển nhượng phải được thực hiện công chứng tại văn phòng công chứng hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường. Các hợp đồng chuyển nhượng viết tay, không có chứng thực của cơ quan chức năng, nếu xảy ra tranh chấp và đưa ra tòa thì khả năng sẽ bị tòa xem xét đó là các hợp đồng vô hiệu.

Nguyễn Tùng
Theo Đời sống Plus/GĐVN