Chủ nhật, 19/01/2025 | 18:26
RSS

Hy hữu: Em bé chào đời với nút thắt đôi ở dây rốn

Thứ ba, 25/06/2019, 13:54 (GMT+7)

Theo các bác sĩ đây là trường hợp tương đối hiếm gặp và tiềm ẩn những nguy cơ nhưng rất may nút thắt không quá chặt nên em bé vẫn khỏe mạnh, an toàn

Hy hữu: Em bé chào đời với nút thắt đôi ở dây rốn
Em bé chào đời với nút thắt đôi ở dây rốn.

Thông tin từ TS.BS Lê Thị Thu Hà - bệnh viện Từ Dũ cho biết, các bác sĩ vừa trải qua những giây phút "thót tim" khi đỡ đẻ cho một ca sinh em bé với một nút thắt đôi ở dây rốn. Bé nặng 3.7 kg, là con đầu lòng của chị T.D, (32 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh)

Theo BS Hà êkip đỡ đẻ hoàn toàn bất ngờ với nút thắt của dây rốn vì suốt quá trình chuyển dạ, tất cả diễn tiến đều bình thường. Với trường hợp này nút thắt không chặt và có lẽ bé không quá nghịch nên thai kỳ đã trôi qua an toàn. Tuy vậy, đây cũng là trường hợp tương đối hiếm gặp và ít nhiều tiềm ẩn những nguy cơ cho em bé.

Theo các chuyên gia sản khoa, dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng khi là đường dẫn duy nhất vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi, đảm bảo sự sống của bé khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, khi dây rốn bị thắt nút sẽ gây ảnh hưởng đến thai kỳ cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ.

Hy hữu: Em bé chào đời với nút thắt đôi ở dây rốn 2
Niềm vui của vợ chồng sản phụ khi được đón con đầu lòng.

Dây rốn trung bình dài 55-100 cm. Dây rốn dài là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ thai nhi bị dây rốn thắt nút. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy rằng, các yếu tố làm gia tăng tỉ lệ dây rốn thắt nút là thai phụ lớn tuổi, thai nhi là bé trai, trọng lượng thai nhỏ, các bé hay hoạt động, đa ối, mang thai lần thứ hai trở lên, đặc biệt đa thai chỉ có 1 túi ối.

Nhiều nhận định cho rằng, dây rốn thắt nút được hình thành vào giai đoạn đầu của thai kỳ, khoảng từ 9-12 tuần, khi bé còn nhỏ và còn nhiều không gian để di chuyển. Hầu hết các nút thắt này tương đối lỏng lẻo và không gây hại cho thai.

Tuy nhiên, với dây rốn của bé bị thắt nút sớm, khi bé có cử động nhiều và mạnh, nút thắt bị chặt có thể làm giảm lượng oxy và cung cấp dinh dưỡng. Các nút thắt thực sự trở nên nguy hiểm hơn khi em bé càng gần ngày sinh và trong trường hợp xấu hơn có thể gây ngạt, dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong. Các nút thắt chặt có tỷ lệ tử vong là 10%.

Khi phát hiện thai nhi có dây rốn thắt nút trên siêu âm, thai phụ được khuyên theo dõi thai nhi bằng siêu âm Doppler màu, chú ý cử động thai của bé. Khi bé cử động ít hơn hay nhiều hơn quá mức, thai phụ nên được kiểm tra tại cơ sở y tế.

Dây rốn thắt nút rất khó để phát hiện trong siêu âm tiền sản. Tuỳ từng khả năng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng cũng như chất lượng của hệ thống máy siêu âm, dây rốn thắt nút có thể phát hiện ra. Việc cố gắng tìm kiếm xem dây rốn có thắt nút hay không trong bào thai không được khuyến cáo.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN