Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:02
RSS

Hưng Yên: Máy gặt xuống đồng phải đóng 1 triệu đồng tiền cọc

Thứ hai, 11/06/2018, 10:23 (GMT+7)

Đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội về việc mỗi máy gặt xuống đồng tại một xã của huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) phải đóng cọc 1 triệu đồng nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.

Máy gặt xuống đồng phải nộp 1 triệu tiền cọc

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cuộc tranh luận giữa 1 chủ máy gặt và 1 trưởng thôn về việc mỗi máy gặt xuống đồng đều phải đóng cọc 1 triệu đồng phí sửa chữa đường do máy gặt làm hư hỏng nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo cư dân mạng.

Theo nội dung đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, cuộc tranh luận diễn ra giữa 1 người phụ nữ được cho là chủ máy gặt và 1 người được giới thiệu là trưởng thôn nơi chiếc máy gặt đang hoạt động.

Người phụ nữ cho rằng việc chính quyền thôn tự ý yêu cầu chủ máy gặt phải đóng cọc 1 triệu đồng với mỗi máy gặt xuống đồng là vô lý và kiên quyết không đóng số tiền này.

Trong khi đó, người được coi là trưởng thôn lý giải về việc chính quyền bắt đóng cọc số tiền trên là do có ý kiến phản ánh việc chủ máy gặt đưa máy xuống đồng làm hư hỏng đường do dân đóng góp xây dựng đường nên phải thu.

“Nếu sau khi xong vụ gặt, các vị sửa chữa lại các đoạn đường đã làm hư hỏng thì chính quyền thôn sẽ hoàn lại số tiền trên. Còn nếu không tu sửa coi như số tiền trên sẽ bị thu và để phục vụ việc thu sửa lại những đoạn đường đã bị làm hỏng”, vị trưởng thôn nêu quan điểm.

Đáp lại ý kiến trên, người phụ nữ cho rằng máy gặt của mình vụ nào cũng về để phục vụ bà con. Và không có chuyện máy gặt làm hỏng đường nên không đóng tiền cọc.

Cuộc tranh luận giữa 2 nhân vật được nhiều người dân chứng kiến. Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video trên đã tạo lên một cơn sốt trên mạng xã hội khi nhận được nhiều ý kiến bình luận, thích cũng như chia sẻ từ phía cộng đồng mạng.

Các ý kiến bình luận được chia ra làm 2 phía. Một phía cho rằng việc chính quyền thu tiền đóng cọc của chủ máy gặt như thế là bất hợp lý. Nhóm người ủng hộ quan điểm này nói, do nhu cầu của người dân, việc các chủ máy gặt đưa máy về để phục vụ giúp dân giảm sức lao động vào mỗi mùa vụ là việc lên làm.

Hưng Yên: Máy gặt xuống đồng phải đóng 1 triệu đồng tiền cọcCuộc tranh luận về việc thu tiền cọc máy gặt được nhiều người dân chứng kiến

Nhóm này cũng mong chính quyền địa phương nên ủng hộ hơn là việc làm khó dễ đối với các chủ máy gặt trên.

Ở chiều hướng ngược lại, nhiều người cho rằng việc làm của chính quyền thôn là rất hợp lý. “Thực tế, nhiều chủ máy gặt sau khi xuống đồng, tiền thu đầy túi rồi lại đánh máy về để lại nhiều đoạn đường bị hư hỏng.

Tất nhiên sau đó, nếu người dân không đóng góp tiền để sửa chữa thì đoạn đường đó sẽ lại để hư hỏng như vậy, gây mất mĩ quan và tốn tiền bạc”, một ý kiến bình luận.

Được biết, sự việc trên xảy ra tại thôn An Tràng, xã Trung Dũng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Người xuất hiện trong đoạn clip trên là ông Ngô Qúy Ban, Trưởng thôn An Tràng.

Để làm rõ những thông tin về đoạn clip trên, sáng ngày 11/6, PV Đời sống Plus đã liên hệ với ông Ngô Qúy Ban. Ông Ban xác nhận vụ việc trên xảy ra ở tại địa bàn của thôn và ông chính là người đàn ông xuất hiện trong đoạn clip trên.

Ông Ban cho biết: “Sau khi đoạn clip trên được đăng tải, có nhiều ý kiến của cộng đồng mạng không hiểu bản chất sự việc dẫn đến có những bình luận tiêu cực gây ảnh hưởng đến bản thân tôi.

Thực tế, chính quyền thôn nhận được những ý kiến phản hồi của người dân về việc các chủ máy gặt đưa máy về làng phục vụ bà con gây hư hỏng đường sá do dân đóng góp và xây dựng.

Với cương vị là trưởng thôn, tôi đã họp ý kiến của chính quyền thôn và người dân để thống nhất sẽ thu cọc 1 triệu đồng/1 đầu máy gặt để thực hiện tu sửa lại các con đường bị máy gặt làm hư hỏng”.

Ông Ban cũng cho biết nếu sau vụ gặt, các chủ máy gặt tiến hành tu sửa lại các đoạn đường đã bị hư hỏng thì số tiền trên sẽ được hoàn trả lại, chính quyền thôn không giữ một đồng.

“Người phụ nữ xuất hiện trong đoạn clip trên là người địa phương nhưng không phải chủ máy gặt mà chỉ là bảo kê. Còn người chủ máy gặt thực sự là người tiến hành quay clip. Người này quê ở Nghệ An.

Sau khi nghe phản ánh của người dân, chúng tôi đã xuống tận nơi, đề xuất và nói rõ nguyên nhân thu 1 triệu tiền cọc nhưng người này không hiểu mà còn cố tình làm lớn chuyện và nhất mực cho rằng máy gặt của bà ta không gây hư hỏng đường”, ông Ban thông tin thêm.

Được biết, việc tiến hành thu cọc tiền mỗi đầu máy gặt 1 triệu đồng là do chính quyền thôn An Tràng họp và tiến hành thu chứ không có sự chỉ đạo của UBND xã Trung Dũng.

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN