Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:56
RSS

Học sinh dựng lều bên vách núi "hứng sóng" học trực tuyến

Thứ năm, 23/09/2021, 06:47 (GMT+7)

Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nơi đây học sinh không có mạng viễn thông để học trực tuyến, 2 nữ sinh Vân Kiều đã phải vượt quãng đường xa, lên núi dựng lều "hứng sóng" để học tập.


Hai nữ sinh Vân Kiều dựng lều bên vách núi "hứng sóng" để học trực tuyến.

Bố dựng lều cho con đến lớp

Đó là câu chuyện về hai nữ sinh người dân tộc Vân Kiều, chị em ruột trong một gia đình, chị là Hồ Thị Son (SN 2004) và  người em là Hồ Thị Thanh Huyền (SN 2005), học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình.


Hai em "hứng sóng" để học trực tuyến và chăm chỉ lắng nghe các bài giảng của thầy cô.

Trong bối cảnh, tình hình dịch bệnh covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang còn nhiều diễn biến phức tạp, các trường học đã triển khai dạy học trực tuyến và hướng dẫn các em học tập tại nhà. Thế nhưng với 2 em dù có thiết bị học tập nhưng ở nơi bản làng không có sóng điện thoại, cả 2 đã vượt quãng đường xa "hứng sóng" để được học tập.

Các em cho biết đã gần 4 tháng nay, việc lên lớp của các em cùng các bạn phải dừng lại do nghỉ hè và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, ở nhà, các em được thầy cô hướng dẫn việc tự học, tự ôn bài và tham gia học trực tuyến cùng các bạn.

Để con được học tập trực tuyến theo như thông báo của nhà trường, bố mẹ của Huyền và Son đã dựng một lều nhỏ che mưa, che nắng cho các em và kê những thanh gỗ làm bàn, ghế cho 2 em học bài. Sau nhiều ngày mò mẫm, 2 nữ sinh Vân Kiều cũng bắt được sóng 3G để vào phần mềm học online lắng nghe cô thầy giảng bài.

'Hứng sóng" để tiếp thu bài học

Em Hồ Thị Son, chia sẻ. “Dịch Covid-19 nên bọn em không đến trường được, thầy cô cũng có hướng dẫn để em tự học ở nhà, thế nhưng bọn em rất muốn được học cùng với các bạn và thầy cô. Khi được thầy cô giảng bài qua điện thoại, chúng em sẽ học được nhiều hơn. Ngoài ra còn có thể trao đổi những vấn đề chưa hiểu, thế nên cố gắng đến đây để bắt sóng và học tập”.

Từ khi có nơi để học tập, cứ mỗi sáng, 2 chị em Huyền và Son dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ ăn, rồi đi bộ khoảng 20 phút, men dọc theo con đường lởm chởm đất đá, đến lều tạm để học tập. Các em vừa học, vừa trao đổi, nhận các tài liệu, đề bài tập của thầy cô gửi qua zalo, Facebook.


Con đường đến với Bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Em Hồ Thị Son cho biết, năm nay là năm cuối cấp nên em phải cố gắng học để theo kịp bạn bè, có kiến thức để thi tốt nghiệp THPT. Cả 2 chị em đều mong muốn sau này có công việc ổn định, để bản thân đỡ vất vả và giúp đỡ bố mẹ được nhiều hơn.

Mặc dù mạng đôi lúc cũng chập chờn, thế nhưng để đón được sóng và theo dõi thầy cô giảng bài đối với các em là một điều rất vui mừng. Các em mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi để được trở lại trường học tập.

Những buổi sáng trời đẫm sương lạnh buốt, Huyền và Son phải nhóm bếp lửa kế bên để sưởi ấm và ngồi học bài. Vượt qua những khó khăn, hai chị em lại động viên nhau cùng cố gắng học tập không phụ lòng ba mẹ, tiếp thu kiến thức, để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

 “Mỗi ngày chúng em học buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối học nghề thì chúng em xin nghỉ vì ra chỗ này không có điện và rất nguy hiểm vì nhiều khi đất đá bất ngờ đổ ập xuống”, Son cho biết.

Và cứ thế, từng ngày trôi qua, nhờ sự nỗ lực, vượt khó để “theo đuổi con chữ” các em đều “hứng sóng” và hoàn thành các tiết học của mình, tiếp thu những kiến thức quan trọng như các bạn cùng lớp.

Tiến Việt
Theo Giáo dục & Thời đại