Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, trước bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 lan rộng và diễn biến khó lường, Bộ GD&ĐT đã tăng cường tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về thực hiện nhiệm vụ năm học.
Trong đó, Chỉ thị số 24 của Thủ tướng về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, đã giúp việc triển khai năm học được thuận lợi hơn, với sự chung tay của các Bộ ngành, địa phương.
Dựa trên nội dung chỉ đạo xuyên suốt này của Chính phủ cùng việc liên tục cập nhật diễn biến dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản các cấp, tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt, thuận lợi triển khai các nhiệm vụ, chương trình.
Trong đó, các văn bản định kỳ thường niên như Chỉ thị năm học, Hướng dẫn thực hiện chương trình các cấp được tiếp thu ý kiến rộng rãi, đánh giá và cập nhật diễn biến dịch, để kịp thời bổ sung những nội dung phù hợp. Các văn bản chuyên đề “đột xuất” như: tiếp nhận học sinh “mắc kẹt” vì Covid-19; tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình ứng phó diễn biến dịch, điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học và trung học…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức dạy học linh hoạt, với đa dạng hình thức, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, địa phương cơ bản kiểm soát được dịch đã tận dụng thời gian “vàng” để dạy học trực tiếp; địa phương đang thực hiện giãn cách thì dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với học qua truyền hình. |
Năm nay là năm học đặc biệt khi cấp tiểu học có 2 lớp 1 và 2 sẽ dạy học theo Chương trình mới, cấp trung học có lớp 6 bắt đầu áp dụng chương trình này; song song với đó các lớp còn lại của 2 cấp vẫn dạy theo Chương trình GDPT 2006.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện gấp rút ban hành văn bản chỉ đạo, bổ sung thực hiện chương trình trong điều kiện ứng phó với dịch. Các văn bản này thể hiện rõ tính linh hoạt áp dụng với từng chương trình và sự kịp thời, quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương của Bộ GD&ĐT.
Tính đến ngày 20/9, cấp tiểu học có 25 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp; cấp trung học có 23 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài phát biểu tại hội nghị.
Địa phương chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học
Tại Hà Nội, chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến, trong tháng 8/2021, ngành Giáo dục đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học, đặc biệt quan tâm đến triển khai dạy học trực tuyến ở các cấp học. Riêng học sinh lớp 1 có thời gian để làm quen với dạy học trực tuyến và bắt đầu vào chương trình từ ngày 13/9.
“Theo thống kê, hiện 100% trường phổ thông trên địa bàn đều dạy học trực tuyến và học sinh tham gia đạt 100%. Mức độ chuyên cần với học sinh tiểu học và THCS đạt khoảng 99%; với học sinh THPT đạt trên 99,9%. Số vắng là do một số nguyên nhân như: lỗi đường truyền, thiết bị học trục trặc, học sinh ốm…” - thông tin điều này, ông Phạm Xuân Tiến đồng thời cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đang chuẩn bị để tham mưu thành phố về việc triển khai dạy học trên truyền hình. Địa phương cũng tiếp tục tập trung xây dựng, làm phong phú thêm kho học liệu điện tử phục vụ công tác dạy học.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chình phủ; nhiều giáo viên, học sinh là F0, F1. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021-2022, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, ngay từ đầu năm học, GD-ĐT Thanh Hoá đã tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với phương châm xuyên suốt cả năm học là: thích ứng, chủ động, đa dạng, linh hoạt, phù hợp.
Sở GD&ĐT đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện các hoạt động dạy học, chuẩn bị các kịch bản, phương án tổ chức hoạt động giáo dục năm học 2021-2022; xây dựng phương án bố trí việc khai giảng, đi học chủ động, linh hoạt để ứng phó, xử trí phù hợp với diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở mỗi địa phương theo 3 cấp độ...
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã triển khai dạy học trên môi trường Internet và dạy học qua truyền hình ngay sau khai giảng. Trong đó, với các lớp 1, 2, 6, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình ghi hình các tiết dạy để hỗ trợ thêm kho học liệu cho giáo viên.
Thành phố có khoảng 95% học sinh trung học và hơn 92% học sinh tiểu học đang tham gia học tập theo các hình thức này. Với hơn 70.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến và truyền hình, Sở GD&ĐT triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và hiện đã giảm được số này xuống mức còn khoảng 42.000.
Hiện, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân có kế hoạch hỗ trợ cho học sinh thành phố; nếu vận động nhanh, có thể giữa tháng 10, toàn bộ học sinh trên địa bàn sẽ có đủ thiết bị để học trên môi trường internet.
Dù còn nhiều khó khăn khi thực hiện công tác dạy học trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, một bộ phận thầy cô đang tham gia chống dịch, nhiều học sinh đã trở thành bệnh nhân, thậm chí mất cả người thân…, tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với sự chung tay hỗ trợ của các Bộ ngành, đơn vị, tổ chức… thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để dạy học bảo đảm an toàn, chất lượng.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Kiên trì mục tiêu chất lượng
Nhận định trong thời gian qua, các địa phương đã rất chủ động, linh hoạt và triển khai thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời đưa ra một số nội dung cần lưu ý thống nhất triển khai thực hiện.
Nội dung đầu tiên Thứ trưởng nhấn mạnh: với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, việc tổ chức triển khai cần hết sức linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Cùng với đó, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh; cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Việc xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ theo năm, học kỳ mà thậm chí theo từng tháng. Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện theo đúng kế hoạch.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng 3 phương thức: dạy hoc trực tiếp, dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình; từ đó học sinh dù không đến trường vẫn có thể hoàn thành chương trình theo kế hoạch. Tinh thần là đối với lớp 1, lớp 2 ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình; với lớp 3 đến lớp 12 tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc phải xây dựng các video bài giảng trên truyền hình, kho học liệu, với tinh thần đóng góp bài giảng cho cả nước cùng dùng chung; và đề nghị địa phương sớm gửi các bài giảng để Bộ thành lập hội đồng tuyển chọn. Những bài giảng được lựa chọn sẽ phát trên 1 số kênh truyền hình trung ương, đồng thời gửi về địa phương để phát trên đài truyền hình địa phương. Dự kiến, từ 1/10 sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình với các lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Với Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022 (công văn 4040) và Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 (công văn 3969), Thứ trưởng lưu ý:
Đây là chương trình dùng chung trên cả nước, không phải chỉ dành cho nơi có dịch. Những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không kiểm tra, đánh giá định kì. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp THPT.
Nhấn mạnh cần kiên trì mục tiêu chất lượng, cả chất lượng dạy học trực tiếp và trực tuyến, Thứ trưởng cho biết, trong tuần này, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên; có bài kiểm tra để đánh giá kết quả tập huấn. Lưu ý có cơ chế kiểm tra chất lượng dạy học trực tuyến phù hợp, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần có kế hoạch ôn tập hiệu quả sau khi học sinh quay trở lại trường, giúp các em có điều kiện củng cố kiến thức vững chắc hơn.
Cuối cùng là vấn đề chính sách với người học, vì người học, Thứ trưởng cho rằng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa. Trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, không gây bất kỳ khó khăn nào để học sinh được học tập tại nơi cư trú, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến tâm lý học sinh; thực hiện nghiêm túc quy định về các khoản thu, đặc biệt là các khoản thu ngoài học phí theo đúng các quy định hiện hành.
Lưu ý thêm về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học này, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập tổ hỗ trợ các địa phương trong triển khai thực hiện các môn học tích hợp; các sở GD&ĐT cũng phải thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn cho việc này. Thứ trưởng mong rằng, các địa phương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần linh hoạt, sáng tạo để thực hiện thành công nhiệm vụ năm học 2021-2022. |