Thứ năm, 12/09/2024 | 22:40
RSS

Học sinh dân tộc nơi rẻo cao vui Tết như thế nào?

Thứ tư, 22/01/2020, 07:21 (GMT+7)

Nhiều học sinh vùng cao ở Nghệ An đã được trải nghiệm không khí Tết với bánh chưng, ném còn, múa lăm vông… Còn với học sinh vùng cao Lào Cai, "Hành trình văn hóa", "Tết trao yêu thương" "Tết vùng cao" là chủ đề được các nhà trường lựa chọn.

Học sinh vùng cao Lào Cai

Bảo Yên - huyện cửa ngõ phía đông của tỉnh Lào Cai - là địa bàn sinh sống từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao, Giáy… Cùng chung sống trên một địa bàn nhưng mỗi dân tộc ở đây đều tạo dựng và gìn giữ cho mình một nét văn hóa riêng, đặc sắc.

Phát huy những nét đẹp truyền thống ấy, ngày hội "Tết dân tộc" cho học sinh miền núi được các nhà trường tổ chức với nhiều nội dung phong phú, sinh động.

Theo Tuổi Trẻ, ngày hội "Tết dân tộc" được diễn ra đầy náo nhiệt và sôi động ở khắp các điểm trường. "Hành trình văn hóa", "Tết trao yêu thương" "Tết vùng cao" là chủ đề được các nhà trường lựa chọn trong hoạt động Vui Tết năm nay.

Với ý tưởng sáng tạo, các thầy cô đã đem đến cho học sinh sự trải nghiệm và khám phá thú vị về những không gian văn hóa của nhiều dân tộc, đồng bào. Những nét văn hóa ấy mang đậm màu sắc và hơi thở của núi rừng vào xuân.

Góc ẩm thực là không gian để học sinh được trổ tài, được thể hiện và quảng bá những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Ẩm thực của bản Tày là rau rừng, măng đắng, là bánh giày, bánh trôi. Ẩm thực của bản Mông là mèn mén, thắng cố.

Học sinh dân tộc nơi rẻo cao vui Tết như thế nào?
Ảnh: Tuổi Trẻ

Và đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở mảnh đất nào cũng rất quen thuộc với bánh chưng xanh truyền thống của người Kinh. Bởi vậy, để các em học sinh có sự hiểu biết về nhiều dân tộc và có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, các thầy cô còn hướng dẫn các em gói bánh chưng xanh.

Góc văn hóa là nơi các em được khám phá những nét đẹp về trang phục, những màu sắc, họa tiết được trang trí trên các trang phục mang đậm màu sắc núi rừng. Cùng với đó, các em thuyết minh về những lễ hội, dân ca, dân nhạc, dân vũ trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những lời hát Then, những điệu múa khèn, những bài múa sạp khiến không gian xuân thêm rộn ràng, náo nức.

Góc Trò chơi là không gian để các em được thỏa sức với nhiều hoạt động lý thú: bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt, chuyền bóng nước, ném pao, ném còn, đánh khăng, chơi quay, leo cột, kéo co, nhảy bao bố, đi cầu tre trên cạn, cầu tre trên nước…Tiếng cổ vũ, tiếng hò reo và cả những tiếng cười giòn tan, trong trẻo vọng vào vách núi…

Học sinh vùng cao Nghệ An

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hội Nga là mái nhà chung của 451 học sinh hai xã Châu Hội và Châu Nga - hai xã khó khăn nhất của huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), phần lớn các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với mong muốn giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, Trường PT DTBT THCS Hội Nga đã tổ chức chương trình “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”, cùng các em đón Tết sớm.

Tham gia chương trình này, các em học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như thi gói bánh chưng, thi nấu các món ăn truyền thống dân tộc của đồng bào Thái. Bên cạnh đó, những trò chơi dân gian như như ném còn, múa lăm vông, đi cà kheo... cũng đã được tái hiện ngay trong sân trường, thu hút sự hào hứng tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh.

Học sinh dân tộc nơi rẻo cao vui Tết như thế nào?
Ảnh: Dân Trí

“Trường chúng tôi có 451 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Thái, trong đó có 244 em diện bán trú. Đa phần các em lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều em có hoàn cảnh hết sức éo le như em Vi Thế San bố mất, mẹ bỏ đi, em ở với bà ốm đau liên tục; em Lữ thị Tuyến, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở với anh con bác, hoàn cảnh cũng rất khó khăn.

Cũng như nhiều trường miền núi khác, vào sau kỳ nghỉ Tết chúng tôi cũng phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Bởi vậy, chương trình “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” không chỉ giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cho các em mà còn chia sẻ yêu thương, giúp gắn kết tình cảm bạn bè, tình cảm giữa thầy trò để các em thêm yêu trường, yêu lớp, không còn tư tưởng muốn bỏ học.

Ngoài việc được trải nghiệm không khí Tết cổ truyền dân tộc, học sinh Trường PT DTBT THCS Hội Nga còn được chơi nhảy sạp hay ném còn - trò chơi đặc trưng của đồng bào miền núi.

Bên cạnh tổ chức cho các em vui Tết, đón Xuân sớm, các giáo viên, nhân viên trong trường đã tự nguyện trích một phần lương hỗ trợ gần 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, biết vươn lên trong cuộc sống và trong học tập những phần quà Tết ý nghĩa”, cô Lê Thị Hưng - Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Hội Nga chia sẻ với báo Dân Trí.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN