Thi thử vào lớp 10: Nên hay không nên?
Kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng trở thành đề tài nóng bởi đây là kỳ thi được đánh giá khốc liệt hơn cả thi đại học. Nắm bắt được tâm lý phụ huynh và học sinh lo lắng cho kỳ thi này nên bắt đầu từ tháng 4 nhiều trường THPT, trung tâm ôn thi rầm rộ tổ chức các cuộc thi thử.
Vậy, nên hay không nên cho con thi thử? Câu là lời là "Có", vì để học sinh có kết quả đánh giá năng lực của mình để chọn trường phù hợp. Và quan trọng không kém là được trải nghiệm tâm lý phòng thi và rèn luyện kỹ năng làm bài để bước vào kỳ thi thật tổ chức vào đầu tháng 6 được hoàn hảo nhất.
Kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng trở thành đề tài nóng bởi đây là kỳ thi được đánh giá khốc liệt hơn cả thi đại học. (Ảnh: Lê Hiếu)
Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sau khi trải qua kỳ thi thử đã bước vào kỳ thi thật một cách bình tĩnh, tâm lý tốt, câu nào dễ làm trước và gặp câu khó không bị cuống. Đây là yếu tố quyết định đến kết quả bài thi của các thí sinh.
Với học sinh thi chuyên vào lớp 10 như chuyên Toán, chuyên Anh, chuyên Lý, Hóa, Sinh… thì việc thi thử ở các lớp học luyện thi, các trường chuyên với các đề ra tương đối sát dạng đề thi chuyên thực sự mang lại lợi ích lớn, giúp học sinh đánh giá có tố chất chuyên hay không. Có rất nhiều trường và trung tâm ở Hà Nội tổ chức các đợt thi thử như Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Khoa học tự nhiên, Chuyên ĐH Sư phạm, THPT Lương Thế Vinh...
Các trường thường tổ chức 1-4 đợt thi với lệ phí khoảng 200.000-450.000 đồng/lần thu hút rất đông thí sinh đăng ký.
Mất tiền triệu thi thử, rước thêm nỗi lo?
Mặc dù thi thử mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh thi vào lớp 10 nhưng phụ huynh quá "lạm dụng" khiến việc thi thử khiến nhiều học sinh mệt mỏi và ảnh hưởng tâm lý khi thi thật.
Chị Ngô Lan Hương, phụ huynh có con đang học lớp 9 cho biết, cứ thấy trường hay trung tâm nào tổ chức thi thử là chị đăng ký cho con tham gia. Mục tiêu của gia đình chị Hương là cho con thi vào Chuyên Ngoại ngữ nhưng để chắc chắn đỗ vào trường cũng như có phương án dự phòng khác, chị đã cho con trải nghiệm thi thử để biết năng lực.
Tính đến thời điểm hiện tại con chị đã trải qua 2 đợt thi thử của trường Chuyên Ngoại ngữ và các nơi khác tổng cộng gần 10 lần. Tuy nhiên, mỗi lần lại có kết quả thi khác nhau nên chị vẫn không yên tâm, muốn con thi thử đến khi nào điểm đạt như mong muốn thì thôi.
Không ít học sinh bị bố mẹ bắt thi thử nhiều quá đến mức bị stress, trầm cảm và đến khi thi thật uể oải, mệt mỏi khiến bài làm không tốt như mong muốn.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả cuốn sách Tư vấn kỳ thi vào 10, hiện nay, học sinh thi vào các lớp chuyên Anh, chuyên Toán là thi thử nhiều nhất. Ngoài việc ôn thi cấp tốc vào lớp 10, việc thi thử quá nhiều cũng ảnh hưởng tâm lý, mất thời gian, tiền của của bố mẹ và con cái. Trung bình mỗi nhà mất 3-5 triệu đồng cho con đi thi thử. Tuy nhiên, nếu thi thử kết quả không tốt sẽ dẫn đến việc phụ huynh và học sinh bị chán nản, sốc tâm lý. Ngược lại nếu thi thử được điểm cao, các em chủ quan học hành.
Chị Hải lấy dẫn chứng, năm ngoái, trường hợp nhờ chị tư vấn là một học sinh tại Hà Nội tên Đỗ Hà My. Hà My thi thử ở trường THPT Phan Huy Chú, mẹ con em đã sốc tinh thần khi em bị điểm thấp. Khi đó gia đình định chuyển nguyện vọng của Hà My từ trường THPT Chu Văn An sang Nguyễn Trãi mặc dù học lực của em luôn giỏi. Rất may được mọi người động viên, Hà My vẫn thi trường THPT Chu Văn An và đỗ vào trường với số điểm gần 9 điểm/môn.
"Kết quả thi thử không đánh giá năng lực của con khi thi thật. Với kinh nghiệm lâu năm theo dõi mảng giáo dục và chia sẻ với nhiều phụ huynh, theo tôi, phụ huynh chỉ nên cho con thi thử 2-3 lần, tốt nhất là thi 1 lần để trải nghiệm", chị Hải nhấn mạnh.