Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Theo công bố của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới đây, giá một bộ sách giáo khoa lớp 2 mới sẽ cao gấp 3 lần so với bộ sách hiện hành. Bộ sách lớp 6 mới cũng có giá cao gấp 3,56 lần.
Trước thông tin này, nhiều ý kiến phụ huynh và chuyên gia cho rằng việc giá sách giáo khoa tăng cao như vậy là bất hợp lý và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho giáo dục.
Trao đổi với Gia đình Việt Nam về vấn đề này, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng đến nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Giá của bộ sách giáo khoa lớp 6 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao hơn giá của các bộ sách trước đây.
Ông Lê Như Tiến cho biết, những năm trước đây, do sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt quan trọng nên luôn luôn được giữ giá ổn định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị NXB cứ đổ cho cơ chế thị trường để tăng giá sách giáo khoa một cách vô tội vạ.
"Tôi cho rằng việc tăng giá sách giáo khoa này là hoàn toàn không nên. Việc tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý sẽ khiến cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách và dẫn đến nguy cơ phải bỏ học", ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Theo ông Lê Như Tiến, lẽ ra trong giáo dục, nhà nước có thể có cơ chế hỗ trợ một số nhà xuất bản, không để tình trạng tăng giá sách giáo khoa vô tội vạ sẽ giảm "gánh nặng" trên đôi vai phụ huynh học sinh.
"Chúng ta cần nhìn vào mặt lợi ích lâu dài cho xã hội chứ không thể đặt nặng tính "thương mại hóa" giáo dục một cách thái quá. Nên ổn định giá sách giáo khoa từ đầu chứ không thể tùy tiện tăng giá liên tục như vậy", ông Lê Như Tiến nói.
Nhiều ý kiến phụ huynh và chuyên gia cho rằng việc giá sách giáo khoa tăng cao bất hợp lý sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho giáo dục.
Bên cạnh đó, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng cần phải tính đến chuyện in một lần để dùng cho nhiều lần chứ không nên thay đổi sách giáo khoa quá nhiều dẫn đến tình trạng lãng phí không cần thiết.
"Không thể cứ năm nào cũng tiến hành điều chỉnh, thay đổi nội dung sách giáo khoa thì rất dễ tốn kém, lãng phí không cần thiết", ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.