Tại làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thị trường hoa Tết đã bắt đầu sôi động với vô số loại hoa từ hoa hồng, cúc đến ly, lan…nhiều gia đình trồng cả mẫu ruộng để có đủ hoa cung ứng tết.
Chia sẻ với An ninh Thủ đô, Ông Tưởng, người nông dân trồng hoa tại đây cho biết, thời gian để có hoa cúc thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, nếu thời tiết thuận lợi, có thể thu hoạch sớm hơn. Vào mua Đông, thời tiết thất thường, nếu muốn hoa nở đúng dịp, ngoài phụ thuộc vào thời tiết thì còn cần phải chăm bón và phun thuốc kích thích cho hoa.
Thời điểm hiện tại, vườn hoa cúc của gia đình ông Tưởng hiện đã ra nụ, trông mập mạp, xanh mướt, không có dấu hiệu của sâu bệnh. Ở ngay đầu vườn có am nước lớn để tưới tắm cho hoa, tuy nhiên lại rải đầy vỏ túi thuốc trừ sâu. Ông Tưởng cho biết, để hoa không bị sâu bệnh, bắt buộc phải phun loại thuốc này thường xuyên.
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, kinh doanh hoa mang lại cho gia đình ông lợi nhuận cao. Theo ông, mỗi sào hoa được đầu từ 5 triệu và hoa thu hoạch sau 3 tháng. Giá hoa cúc vàng Tết trung bình khoảng 3.000 đồng/ bông. Hoa cúc trắng ông Tưởng bán vào các ngày rằm giá 240.000 - 260.000 đồng/ 100 bông.
Vườn hoa của anh Nguyễn Ngọc Vân (quận 12 – TP.HCM) đang trồng năm loại sống đời, hướng dương, mồng gà, vạn thọ. 3.500 cây vạn thọ Thái là điều khiến anh Vân lo lắng nhất.
Anh Vân chia sẻ, nếu thời tiết bình thường, tại thời điểm này cây đã phát triển được 7- 8 tầng lá. Tuy nhiên do trời mưa suốt, hiện cây chỉ mới được khoảng 5 tầng lá, dù bón phân, chăm sóc kỹ lưỡng – Theo Tri thức trẻ.
“Trước tình hình này, cây nào khỏe mạnh thì nở đúng tết, còn lại chắc phải bước qua tháng Giêng hoa mới chịu nở. Phải dùng thuốc kích thôi”, anh Vân nói.
Tại một vườn hoa hồng, chủ vườn cho biết, hồng phải phun thuốc thường xuyên mới cho hoa đẹp, thời gian phun nhiều nhất là lúc hoa đang ra nụ. Mỗi sào hồng ước tính mất cả 100 lít nước pha thuốc.
Chủ vườn cho biết: “Do phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh nên có khi hôm trước phun, hôm sau vẫn mang đi bán”. Thậm chí, nhiều hộ trồng hoa còn thừa nhận, để trị tận gốc sâu bệnh, nồng độ thuốc trừ sâu gấp 4, 5 lần mới hiệu quả. Do thời gian cách ly ngắn nên có những khi hoa đem bán vẫn còn phảng phất mùi thuốc.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan tại các làng hoa là thực trạng gây bức xúc trong nhiều năm gần đây.
“Phương pháp này không tránh khỏi vì là sản phẩm rất cần đến hình thức, song không có nghĩa người dân lạm dụng thuốc hóa học để diệt trừ sâu bệnh. Chúng ta hiện có nhiều kỹ thuật canh tác chứ không phải trộn thuốc thật nhiều, nồng độ cao mới là tốt”, ông Hồng nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Hoàng Đình Chân, chuyên gia ung bướu khuyến báo, nếu sử dụng các loại thuốc cấm thì tồn dư trên thực phẩm sẽ gây nguy cơ mắc ung thư đặc biệt là ung thư trực tràng.