Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:58
RSS

Ho ra máu, người đàn ông phát hiện mắc bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần 100%

Thứ năm, 10/09/2020, 15:10 (GMT+7)

Bệnh nhân ho ra máu rất nặng, tỉ lệ tử vong gần như 100% do tình trạng tắc nghẽn đường thở cấp tính. Bệnh viện đã kích hoạt báo động đỏ nội viện, huy động liên chuyên khoa cấp cứu bệnh nhân.

Ho nhiều, người đàn ông phát hiện bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong gần như 100%

Bệnh nhân ho ra máu sét đánh được bác sĩ thăm khám. Ảnh: PLO

Ngày 10/9, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho báo Lao động biết, vừa qua các bác sĩ bệnh viện này đã cấp cứu và điều trị thành công trường hợp ho máu sét đánh nguy kịch.

Theo đó, bệnh nhân là anh P.M.P. (sinh năm 1990, trú tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ). Người nhà bệnh nhân cho hay, cách đây khoảng một tháng bệnh nhân có triệu chứng ho khan ngày càng nặng. 

Bệnh nhân nhập viện bệnh viện tuyến địa phương 3 ngày trước và đột ngột ho ra máu sét đánh lượng nhiều, máu đỏ tươi nhiều nguy ngập hô hấp gây suy hô hấp cấp nên được chuyển viện đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Tại thời điểm nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, da niêm nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh. Ngoài ra, bệnh nhân còn ho ra máu lượng nhiều đỏ tươi kèm đỏ bầm, phổi rale ẩm hai bên, thở nhanh nông, co kéo cơ hô hấp phụ.

Nhận định tình trạng bệnh nhân nguy kịch, Khoa Cấp - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã bật báo động đỏ nội viện, huy động liên chuyên khoa cấp cứu bệnh nhân. Chẩn đoán TD lao phổi biến chứng ho ra máu sét đánh - suy hô hấp cấp - tràn khí màng phổi (P).

Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp xử lý chảy máu do vỡ động mạch bằng kỹ thuật nút tắc động mạch phế quản cầm máu BAE (bronchial artery embolization) dưới sự hướng dẫn của màn hình tăng sáng của máy chụp mạch số xóa nền (DSA).

Ê kíp can thiệp do BS.CKI Trần Công Khánh – Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, thực hiện chụp và nút động mạch phế quản số xóa nền làm tắc động mạch phế quản phổi (P) bằng embozene cầm máu, thời gian thực hiện 30 phút. Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc theo dõi và điều trị. Đến sáng ngày 10/9, bệnh nhân tỉnh, sinh ồn ổn, hết ho ra máu, đang được hô hấp hỗ trợ. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Theo bác sĩ Phong, đây là kỳ tích trong thực hành lâm sàng bởi vì bệnh nhân ho ra máu rất nặng, tỉ lệ tử vong gần như 100% do tình trạng tắc nghẽn đường thở cấp tính dù được cấp cứu kịp thời. Trường hợp này được y văn gọi là ho ra máu sét đánh.

Trao đổi với PLO, TS.BS Cao Mỹ Thúy - Trưởng Khoa Nội hô hấp B, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, ho ra máu sét đánh là tình trạng bệnh diễn biến đột ngột, nhanh như sét đánh, máu có thể ộc ra ồ ạt không cầm được. Máu chảy đóng đông thành từng cục gây bít tắc đường thở, sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp trong thời gian ngắn, trụy tuần hoàn và có thể tử vong.

Ho ra máu sét đánh thường gặp ở bệnh nhân bị các vấn đề về phổi như: Lao phổi, giãn phế quản, bất thường mạch máu phổi,...BS Thúy khuyến cáo, với các bệnh nhân ho ra máu, nhất là ho ra máu do xơ phổi, giãn phế quản diện rộng, khi bệnh nhân có ho ra máu, dù nhiều hay ít, cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở tắc mạch, tránh ho ra máu sét đánh.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN