Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:48
RSS

Hiệu quả của vắc-xin đậu mùa khỉ

Thứ năm, 18/08/2022, 10:31 (GMT+7)

Theo Bộ Y tế, các triệu chứng chính của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, phát ban dạng phỏng nước, sưng hạch ngoại vi.


Jynneos và ACAM2000 đều dùng virus đã bị làm 'yếu'.

Ngoài ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Hiện nay, đậu mùa khỉ được chia thành 3 thể. Trước hết là thể không triệu chứng. Người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.

Ở thể nhẹ, các triệu chứng có thể tự biến mất sau 2 - 4 tuần mà không cần áp dụng biện pháp điều trị. Trong khi đó, người mắc thể nặng thường là nhóm có nguy cơ cao như: Phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch… Thể này có thể gây tử vòng ở tuần thứ 2 của bệnh với các triệu chứng như nhiễm khuẩn da, sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục, viêm phổi, viêm não…

Theo TS Nguyễn Thu Anh - Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock - chia sẻ, tới nay, đậu mùa khỉ lây chậm hơn so với Covid. Biến thể đậu mùa khỉ đang lưu hành có độc lực thấp hơn so với biến thể những năm trước. Tỷ lệ tử vong hiện là 0,04% so với 3 - 6% trước đây. Theo chuyên gia này, điều đó có nghĩa là bệnh đậu mùa khỉ chưa đáng sợ, nhưng cần theo dõi kỹ độc lực với trẻ em.

“Hiện có 2 loại vắc-xin được khuyến cáo sử dụng là Jynneos (tên khác là Imvamune/Imvanex, MVA) và ACAM2000, dù đang chờ kết quả đánh giá hiệu lực phòng lây nhiễm với biến thể đậu mùa khỉ đang lưu hành”, TS Thu Anh cho biết.

Vắc-xin Jynneos được phê duyệt năm 2013 tại châu Âu và 2019 tại Mỹ Theo TS Thu Anh, bản chất của vắc-xin là virus sống giảm độc lực, không còn khả năng nhân lên trong tế bào. Người dùng sẽ tiêm 2 mũi dưới da, cách nhau 4 tuần. Tác dụng phụ có thể gồm đau nơi tiêm, đỏ, sưng, ngứa, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, sốt nhẹ.

Vắc-xin có hiệu lực phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu về hiệu lực. Vắc-xin có tác dụng sinh kháng thể mạnh. Hiệu lực thử ở động vật cho thấy, tỷ lệ linh trưởng được tiêm và còn sống sau nhiễm virus là 80 - 100%. Tỷ lệ này ở động vật không tiêm là 0 - 40%. Hiệu quả của vắc-xin cao nhất ở thời điểm 4 tuần sau tiêm. Tuy nhiên, hiệu lực sẽ giảm theo thời gian, khoảng sau 2 - 3 năm.

Trong khi đó, vắc-xin ACAM2000 cũng có tác dụng phòng bệnh đậu mùa, giảm nguy cơ mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, vắc-xin được khuyến cáo hạn chế sử dụng cho cán bộ y tế hoặc phòng thí nghiệm. Tránh sử dụng cho người có tình trạng miễn dịch suy giảm hoặc người có bệnh da. Vắc-xin này được phê duyệt vào năm 2007 tại Mỹ.

Bản chất của ACAM2000 là virus vaccinia sống, có khả năng nhân lên trong tế bào. Tác dụng phụ là có thể xảy ra tổn thương nặng ở da hoặc tim. Chuyên gia này dẫn chứng, một nghiên cứu ở châu Phi vào những năm 1980 cho thấy, đối với biến thể đậu mùa khỉ năm đó, người không chủng ngừa có nguy cơ nhiễm cao hơn 85% so với người tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, TS Thu Anh nhận định, không nên dùng loại vắc-xin này.

Theo PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) - khuyến cáo, chỉ tiêm vắc-xin cho những ai đã mắc, phơi nhiễm với đậu mùa khỉ hoặc có rủi ro cao.

Trong đó, bao gồm: Bệnh nhân đã được phát hiện mắc hay phơi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ dựa vào triệu chứng và xét nghiệm; Người thân và tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ; Bệnh nhân quan hệ tình dục với nhiều người trong vùng dịch đậu mùa khỉ; Nhân viên y tế và chuyên viên phòng thí nghiệm có thể tiếp xúc với sinh phẩm chứa virus đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân được khuyến cáo tiêm vắc-xin trong vòng 4 ngày sau khi nghi ngờ tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ. Hoặc có thể chủng ngừa trước cho những ai có rủi ro cao mắc bệnh này.

Vân Huyền
Theo Giáo dục & Thời đại