Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:18
RSS

Xâm hại tình dục trẻ em và thực trạng đáng báo động

Thứ năm, 21/09/2017, 12:52 (GMT+7)

Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác cần phải lên án và trừng trị thích đáng. Thế nhưng, nhiều người vẫn rất chủ quan và thực sự chưa hiểu xâm hại tình dục trẻ em là gì?

Xâm hại trẻ em là gì? Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em Việt Nam

Xâm hại tình dục trẻ em đang là thực trạng đáng báo động không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới Ảnh minh họa

Không phải ai cũng có thể giải thích xâm hại tình dục trẻ em là gì, trong thời gian vừa qua, những vụ án thương tâm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ngày càng nhiều khiến xã hội đang phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng này.

Những vụ việc thương tâm như thế không chỉ ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ của những đứa trẻ non nớt mà còn cho thấy hệ lụy khó lường khi xã hội ngày càng phát triển và tệ nạn ngày càng gia tăng.

Xâm hại tình dục trẻ em là gì?

Định nghĩa xâm hại tình dục trẻ em được hiểu rằng là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục.

Hành vi xâm hại tình dục này có thể thay đổi từ việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em.

Luật trẻ em 2016 của nước CHXHCN Việt Nam nêu rằng ““Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Thủ phạm trong hành vi xâm hại tình dục trẻ em là ai?

Theo các nghiên cứu về các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%. Trong số này, những người bị mắc loạn dục với trẻ em chỉ chiếm thiểu số.

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em là gì?

Thực trạng việc xâm hại tình dục trẻ em không phải là chuyện hiếm gặp. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhận định, những người xâm hại tình dục trẻ em không phải chỉ có “yêu râu xanh”, những thành phần hư hỏng mà ngay kể cả những người có chức có quyền và 93% là người thân, quen với em bé. Bất kể ai đó cũng có thể trở thành người xâm hại tình dục.

Theo số liệu công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong 5 năm (2011 – 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Điều đáng nói là 93% nghi phạm trong các vụ xâm phạm tình dục trẻ em lại là những người thân quen của nạn nhân và gia đình như người quen của cha mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…

Đừng lầm tưởng

Nhiều bậc phụ huynh thường phớt lờ những câu chuyện của con trẻ về việc thường xuyên bị người này sờ tay chân, nhìn vào ngực, trêu ghẹo... Đây là một trong những rủi ro lớn đối với các con, các con dễ dẫn đến nhận thức hành vi như vậy là bình thường và chấp nhận nó. Rủi ro lớn nhất bây giờ không do đứa trẻ đó nữa mà hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn, vào môi trường đứa trẻ đó tiếp xúc và người định hướng cho đứa trẻ.

Theo các chuyên gia, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường bước một chân vào trong “cánh cửa”, bước đầu tiên sẽ là những ánh mắt, những cái động chạm có thể là phi tính dục nhưng sau đó sẽ dẫn đến những hành động có chủ đích rõ ràng hơn. Thực tế, những hành vi như trêu ghẹo, tán tỉnh trẻ em cũng được xem là xâm hại.

Khi người lớn xem nhẹ các hành vi đó, coi đó là trêu ghẹo hoặc tán tỉnh thì vô hình trung đứa trẻ chấp nhận một chuẩn mực là nó có thể làm điều đó với những người khác.

Thực tế, trẻ em Việt Nam sau khi bị kẻ xấu xâm hại tình dục thường sợ sệt không dám nói với cha mẹ hoặc người lớn để can thiệp vì thói quen, phong tục và cách giáo dục trẻ.

Trẻ em lo sợ không dám nói với gia đình vì sợ cha mẹ mắng. Không có sự đồng cảm từ cha mẹ, người thân nên trẻ thường giấu đi.

Vậy nguyên nhân gì khiến trẻ em sợ sệt khi phải tâm sự với bố mẹ những chuyện như vậy? Một trong những nguyên nhân then chốt là việc bố mẹ ít nói chuyện, chia sẻ với con nên con khó hòa nhập để nói ra. Bên cạnh đó những lời trách mắng con sẽ hình thành tâm lý cho trẻ rằng đây là lỗi do chính bản thân trẻ tự gây ra khiến trẻ không dám kể với bố mẹ.

Một lý do nữa là cách giáo dục chưa tới nơi của gia đình và nhà trường. Hiện nay, chúng ta đang có sự nhầm lẫn giữa giáo dục giới tính và giáo dục tình dục. Không ít ý kiến cho rằng không nên đưa giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục sớm vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực tế và kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy sự cần thiết phải giáo dục giới tính cho học sinh, càng sớm càng tốt.

Thực trạng xâm hại tình dục trẻ em đáng báo động hiện nay

Tại Việt Nam, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, theo báo cáo của tòa án các cấp cho thấy khoảng 80% số vụ xâm hại tình dục đã xét xử từ năm 2008 - 2013 có nạn nhân là trẻ em. Đó là chưa kể, theo điều tra của Tổ chức phát triển nhân đạo quốc tế (Plan), có đến 78% nữ sinh của 30 trường học ở Hà Nội cho biết đã từng bị bạo lực giới.

Theo kết quả khảo sát năm 2011 của UNICEF, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn; không tập trung, không chú ý trong giao tiếp và học tập; hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người. Một số trẻ bị nặng, mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài.

Xâm hại tình dục trẻ em nói chung gây ra những tổn hại nghiêm trọng về mặt thể chất, tâm lý và tình cảm đối với trẻ từ mức độ nhẹ đến rất trầm trọng.

Đã có những trường hợp gia đình phải đem con bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần, trầm cảm tự tử.

Khi bị xâm hại tình dục, đa số các em đều rất đau đớn về thể xác, cơ thể bị tổn thương. Vì những kẻ có hành vi xâm hại tình dục thường là những kẻ không bình thường và dùng nhiều hành động “biến thái”. Như việc xảy ra tại Ninh Bình (năm 2010). Khi hãm hiếp cháu xong kẻ này còn dùng tay móc sâu vào bên trong âm đạo trẻ khiến trẻ bị rách tử cung. Rồi sau đó hắn chỉ cho rằng đó là sờ soạng.

Bị đau về thể xác chưa là gì so với những ám ảnh tâm lý của trẻ. Trẻ dễ bị tổn hại về tinh thần. Nhất là trẻ có thần kinh yếu sẽ dẫn đến bị tâm thần, trầm cảm và cuối cùng sẽ đến tự tử. Đối với trẻ nhỏ hơn sẽ rơi vào hoảng loạn, bỏ ăn, cơ thể suy nhược.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý cảnh giác và nâng cao nhận thức để phòng ngừa cho con của mình. Đặc biệt, việc phụ huynh chú ý lắng nghe những chia sẻ của trẻ là việc làm tối cần thiết. Điều này giúp cho trẻ có thể tự tin trao đổi với ba mẹ, không phải dấu diếm.

Hãy dạy trẻ biết những “chỗ riêng tư” trên cơ thể; biết từ chối các hành động mà trẻ thấy khó chịu, sờ mó chỗ riêng tư, hay đưa dương vật vào mồm; không bao giờ được đi vào chỗ kín, nơi vắng vẻ với một ai nếu không có sự đồng ý của bố mẹ., biết hô to khi cần sự giúp đỡ hay để thoát nạn, biết không phải lúc nào cũng nghe lời người lớn, tập cho trẻ thói quen kể cho phụ huynh nghe khi có bất cứ ai làm điều gì khó chịu hay nguy hiểm cho trẻ...

Nếu như bố mẹ thấy những vết thương, vết bầm khó giải thích ở miệng, vùng kín của trẻ; trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, phản ứng không bình thường từ trẻ khi trẻ được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với một người nào đó không; trẻ đi tiêu, tiểu khó, ra máu; thấy vệt máu trên quần áo trẻ; trẻ ít tắm, sợ tắm sợ thay đồ; trẻ khó ngủ, gặp ác mộng và hay tè dầm; trẻ hay vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục; bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan…

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN