Những năm trước, nhiều tai nạn thương tâm ở trẻ em xuất phát từ hạt nhựa nở-một loại đồ chơi của Trung Quốc đã gióng một hồi chuông cảnh báo về loại đồ chơi nguy hại này.
Thế nhưng, sau một thời gian biến mất, đến nay, hạt nhựa nở lại xuất hiện trở thành một thứ đồ chơi thịnh hành và đang được bày bán khắp nơi, trở thành mối nguy hại khôn lường đe dọa tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Hạt nở xuất xứ Trung Quốc
Hạt nhựa nở Trung Quốc là những hạt nhỏ li ti, cứng, nhiều màu sắc và được đóng trong những gói nilông nhỏ xíu. Trên bao bì loại đồ chơi này có dòng chữ seven color crytal ball (túi bóng 7 màu).
Phía sau túi có các câu tiếng Anh sai từ, sai ngữ pháp, được tạm dịch là: “Hãy thả các hạt trong túi nhỏ vào 400g nước. Sau 4 giờ đồng hồ chúng sẽ nở to ra trông rất đẹp... Ngoài những câu chữ trên cùng dòng chữ ghi nơi sản xuất từ Trung Quốc, không có một dòng nào nói về thành phần bên trong sản phẩm hay lưu ý về độ tuổi, cách chơi”.
Theo hướng dẫn, thì chỉ cần ngâm những hạt nở này vào ly nước và theo dõi. Chẳng cần đến 4 giờ đồng hồ, mà chỉ mất chừng 30 phút, những hạt li ti này phình to gấp khoảng 20 lần kích cỡ ban đầu, màu sắc bắt mắt, long lanh.
Nếu để một thời gian dài, chúng sẽ to gấp 400%, rất dễ dàng phát nổ và bắn ra một dung dịch lạ, có thể gây cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy và sưng tấy.
Bày bán khắp các trường học
Dạo quanh một một số trường học tại khu vực Hà Nội, không khó để tìm mua những loại hạt nhựa nở này. Với đủ màu sắc bắt mắt, xanh đỏ, tím vàng… Giá thì chỉ khoảng 4000 đồng/gói, những gói hạt nở này được tại các hàng rong, để lẫn với đồ ăn, hoặc cửa hàng đồ chơi xung quanh các cổng trường học.
Bán tràn lan tại các trường học
Đóng vai là một người mua hàng, tìm mua hạt nở tại cổng trường học ở quanh khu vực Mai Dịch, Cầu Giấy, người bán giới thiệu rất nhiệt tình: “Mua về cho cháu chơi à, cái trò này chơi thích lắm, học sinh ở mấy trường gần đây đề ra đây mua về chơi, giá chỉ có 5 nghìn/gói mà được mấy trăm hạt chơi cả ngày”.
Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ, có đảm bảo an toàn cho người chơi, thì người bán khẳng định: “Nó là nguồn gốc Trung Quốc, nhưng không ảnh hưởng gì đầu, chỉ cầm chơi thôi mà có ăn đâu mà sợ. Cái này chơi còn đỡ hại hơn nhiều đồ chơi bằng nhựa bán đầy ngoài kia mà giá thì đắt”.
Mỗi một túi hạt nở đều được chủ các cửa hàng bán chỉ với giá rất rẻ. Khi ngâm nó chuyển sang những hạt nhiều màu sắc khác nhau. Nếu để lâu, các hạt nở sẽ bị vỡ dần rồi tan ra trong nước.
Trên bao bì của các túi đựng hạt nở đều ghi chữ Trung Quốc và những logo hình đồ chơi trẻ em. Hoặc có một loại khác là các con thú với màu sắc bắt mắt, càng ngâm nước, các con thú này còn phình to ra, trông rất hấp dẫn với con trẻ.
Trần Văn Hòa (Học sinh lớp 5, tại trường Dịch Vọng), cho biết: “Cháu thấy trò chơi hạt nở rất hay, chỉ cần ngâm vào nước là được hàng trăm hạt đủ màu sắc, các bạn trong lớp cháu đều chơi cả vì nó có giá rất rẻ”.
Một nhóm học sinh lớp 6 tại trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy, lại có ý kiến: “Cháu thấy mấy hạt đó có nguồn gốc Trung Quốc, vậy mà nhiều bạn vẫn chơi, khi nó nở ra nhìn thì đẹp thật nhưng khi cầm lên sẽ cảm giác có một chất gì đó nhờn nhờ rất sợ. Có bạn lớp cháu bị ngứa và dị ứng vì chơi trò đó quá nhiều”.
Hạt nở ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh
Năm 2007, khoảng 4,2 triệu tấn đồ chơi hạt nhựa nở do Trung Quốc sản xuất bị thu hồi vì gây nôn mửa, hôn mê ở trẻ em sau khi nuốt phải.
Còn ở Việt Nam Ngày 19-12-2007, 26 học sinh và một cô giáo ở trường THCS Quảng Phong, Quảng Xương, Thanh Hoá bị triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở; trong đó có 2 cháu bị co giật nặng nghi do ngửi mùi của hạt nhựa nở này.
Tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường 4, TP Tây Ninh), ngày 24-4-2014, cũng đã có 3 em học sinh nhập viện do xuất hiện các triệu chứng cứng tay không co duỗi được, ngứa ngáy, đau bụng và nôn ói sau khi chơi hạt nhựa nở. Nguy hiểm, độc hại, nhưng hạt nở lại tiếp tục “tái xuất” trở thành mối nguy hại lớn cho các em học sinh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc từng cho rằng: “ Sẽ rất nguy hiểm nếu các hạt này lọt vào đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ. Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ hút nước và nở ra, làm tắc nghẽn đường thở, thậm chí tử vong. Ở đường tiêu hóa của trẻ nhỏ, một lượng hạt lớn có thể làm tắc ruột.
Theo bác sĩ Lộc, trẻ lớn ít có nguy cơ hít hay ăn phải hạt nở, nhưng có thể đưa về nhà và những em bé dưới tuổi đến trường sẽ cầm lấy chơi. Trẻ nhỏ hay có xu hướng cho bất cứ thứ gì tìm được vào miệng, vào mũi nên nguy cơ gặp nạn do hạt nở là có thể xảy ra.
Hạt nở khi mới vào cơ thể sẽ rất khó gắp vì quá bé, còn khi nở ra lại quá mềm. Bác sĩ Lộc khuyến cáo nếu phát hiện hạt này lọt vào đường thở của trẻ, hoặc lọt vào đường ăn với số lượng lớn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế”.