Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:25
RSS

Đây là những loại đồ chơi cực độc cho trẻ: Hãy "vứt bỏ" ngay!

Chủ nhật, 13/11/2016, 09:32 (GMT+7)

Những món đồ chơi quen thuộc, phổ biến được nhiều trẻ em ưa thích, lại ẩn chứa đằng mối nguy hiểm khôn lường với sức khỏe, mà ít phụ huynh biết rõ.

Chơi thú nhún – Bé trai vô sinh, bé gái dậy thì sớm

đồ chơi độc hại

Món đồ chơi yêu thích của nhiều trẻ nhỏ được cho là chứa rất nhiều chất phthalate


Thú nhún là đồ chơi được rất nhiều trẻ em độ tuổi mầm non yêu thích. Qua thăm dò một số phụ huynh thì đa phần phụ huynh đều mua cho con mình món đồ chơi ấy. 

Trước đó, các cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về việc hàng nghìn đồ chơi thú nhún có xuất xứ Trung Quốc bị thu hồi ở nước ngoài vì chứa hàm lượng phthalate quá giới hạn cho phép. 

TS. Hoàng Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện công nghệ hóa học TP. HCM, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết: Các hợp chất phthalate được sử dụng rộng rãi như chất hóa dẻo để làm mềm các vật liệu dễ vỡ, đặc biệt là một số polyme. Trong số các chất hóa dẻo gốc phthalate thì DOP và DBP là các loại chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất sản phẩm nhựa PVC, PP và PE.

Về tác hại của phthalate đối với sức khỏe TS. Dung nhấn mạnh: Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Một số hóa chất ảnh hưởng đến nội tiết đã được xác định, trong đó có chất hóa dẻo dibutylphtalate (DBP).

Theo nhận định của các chuyên gia, DOP có tác dụng giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...

Bóng bay thổi - có thể gây ung thư

đồ chơi độc hại 2


Theo KS. Vũ Tân Cảnh, Phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), nguyên liệu chính làm bóng bay được làm bằng mủ chích từ cây cao su cùng các hóa chất: lưu huỳnh, chất xúc tiến, bột màu, bột tan. Trong đó, lưu huỳnh được sử dụng nhằm mục đích lưu hóa mủ cao su giúp dẻo, dai, không bị dính.

Hệ lụy nặng nhất các chất này để lại là gây ung thư cho trẻ. “Chất này dễ dàng dây ra khi trẻ ngậm, thổi. Điều này dễ nhận thấy như khi trẻ cầm, thổi sẽ có màu trên tay, miệng. Chất bột có mùi hôi, hắc...”, KS Vũ Tân Cảnh khuyến cáo.

PGS.TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cũng cho rằng bóng bay độc nhiều ở chất liệu và phẩm màu. Vì các bậc phụ huynh chưa biết nên “ấu trĩ” cho trẻ thổi bóng, chơi bóng và khả năng nhiễm độc càng cao. 

Mặt khác, bóng bay cũng có nguy cơ làm trẻ hóc, nuốt phải khi thổi. Tuy nhiên, đây là hóc cơ học nên dù có bóng bay hay hạt nhãn... cũng vẫn khiến trẻ nguy hiểm.

Đất sét nặn - tổn hại hệ thống sinh sản

đồ chơi độc hại 3

 

Tổng cục Kiểm tra đo lường chất lượng quốc gia Trung Quốc vừa tổ chức đợt thanh tra quy mô lớn đánh giá mức độ nguy hại về an toàn chất lượng của 5 loại đồ chơi mà trẻ nhỏ thường dùng trong đó có đất sét nặn.

Theo trang Binzhou đưa tin, qua kiểm tra 100 mẫu đất sét nặn đang bán trên thị trường, cơ quan chức năng phát hiện 63 mẫu chứa hàm lượng chất có hại tương đối cao như nguyên tố kim loại có thể di chuyển, chất bảo quản, aromatic amine, chất hữu cơ TVOC. 

Trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với sản phẩm này, các chất độc hại sẽ đi vào cơ thể thông qua hệ hô hấp, da, khoang miệng gây kích ứng da hoặc tổn hại đến hệ thần kinh, khí quản…

Cũng theo các nhà nghiên cứu, một số loại đất sét còn chứa hàm lượng boron quá cao, khoảng 3.884mg/kg. Boron là một loại muối của axít boric, thường xuất hiện dưới dạng chất bột trắng và dễ hòa tan trong nước. Nó được dùng làm chất tẩy rửa, thuốc diệt nấm, thuốc trừ sâu, chất hãm lửa, một thành phần trong gốm sứ… 

Nuốt phải hoặc tiếp xúc với hàm lượng boron quá lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là làm tổn hại hệ thống sinh sản.

 

 

Theo thống kê năm vừa qua, tổng cộng RAPEX đã liệt kê 17.603 sản phẩm đồ chơi độc hại, trong đó có 395 loại xuất xứ từ Trung Quốc phải thu hồi thuộc các nhóm:

- Búp bê nhựa.

- Động vật nhựa.

- Vũ khí nhựa.

- Robot điều khiển từ xa.

- Miếng dán hoạt hình.

- Đồ chơi nấu ăn.

- Đồ chơi bằng bông (thú bông, thú bông có mắc dính).

- Đồ chơi làm đẹp (đồ chơi trang điểm, móng tay giả, vòng đeo tay).

- Đồ chơi âm nhạc (còi, kèn thổi, trống).

- Đồ chơi kéo đẩy (mô hình xe máy, ôtô).

- Đồ hóa trang (mũi giả, mặt nạ).

- Các đồ dùng khác như phao, kính bơi, thảm ghép xốp, ghế hơi.

Trong số đồ chơi bị thu hồi có 169 loại của Trung Quốc chứa chất độc hại mà phần lớn là thành phần phthalate. Các món đồ chơi này đều chứa lượng phthalate vượt xa tiêu chuẩn chất lượng 0,1% của EU.

 

Tiểu Nghi (T/h)
Theo Đời sống Plus