Trao đổi với Báo Công an nhân dân ngày 7/11, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Metro Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, sau 360 ngày khai thác, đã có gần 7,3 triệu lượt khách sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông và được vận chuyển an toàn. Hiện mỗi ngày làm việc có trên dưới 32.000 người đi tàu, trong đó 70% đi lại bằng vé tháng.
Trong khung giờ cao điểm có trên 5.000 người đi học, đi làm bằng tàu điện. Tỷ lệ khách đi trong giờ cao điểm chiếm 80% số lượng khách trong ngày. Lượng khách đi tàu để trải nghiệm vào cuối tuần, ngày lễ, tết ở mức 26.000 – 28.000 lượt và có xu hướng bão hòa.
Về biểu đồ khai thác, từ 1/9/2022, tuyến tăng tần suất chạy tàu 6 phút/chuyến dừng tại ga vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều (7-8h30, chiều 16h30-18h), còn giờ khác duy trì 10 phút/chuyến.
Trong giai đoạn đầu khai thác, tuyến Cát Linh – Hà Đông tiếp tục thực hiện theo khuyến cáo, khuyến nghị về an toàn của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước về công trình trọng điểm. Chủ đầu tư và tổng thầu dự án đang phối hợp tích cực để thực hiện các khuyến cáo, khuyến nghị.
Về mặt kỹ thuật, góc độ chuyên môn sâu đã có các cơ quan nghiệm thu, có Hội đồng kiểm tra nghiệm thu các công trình trọng điểm. Còn từ góc độ vận hành khai thác, cho đến nay tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa có vấn đề kỹ thuật gì lớn.
Hành khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Báo Thanh niên
Tổng giám đốc Metro Hà Nội cũng thông tin thêm, tới đây sẽ triển khai phương án tổ chức dịch vụ ở các nhà ga để tăng tiện ích cho người dân (như tổ chức quầy hàng tiện ích, quảng cáo sản phẩm…), để tận dụng lợi thế thương mại của nhà ga, một mặt tăng tính hấp dẫn của tuyến, mặt khác để tạo thêm nguồn thu, giảm trợ giá từ ngân sách thành phố.
Ngoài ra, để tăng tính hiện đại của đường sắt đô thị, Metro Hà Nội cũng sẽ thử nghiệm phương thức thanh toán hiện đại để người dân mua vé ga tiện lợi như thanh toán qua mã QR, tích hợp thanh toán điện tử…
Chia sẻ với Báo Lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, lượng hành khách liên tục lập kỷ lục mới cho thấy ngày càng nhiều người dân lựa chọn sử dụng tàu điện.
Theo ông Phương, đường sắt đô thị có những lợi thế rất lớn như tàu chạy đúng giờ, thời gian di chuyển và chờ tàu ngắn, độ an toàn cao; kết nối chặt chẽ với xe buýt... Tuy nhiên lượng khách mới chỉ đạt 15% năng lực vận chuyển; để khai thác hết năng lực của đường sắt đô thị, cần dần hoàn thiện mạng lưới, có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị nữa vận hành.
“Chúng tôi đang xây dựng chính sách giá vé linh hoạt, đa dạng và tiết kiệm hơn; nghiên cứu đưa thêm một số loại hình phương tiện kết nối với nhà ga đường sắt đô thị khác như xe đạp điện, xe đạp… Cùng địa phương xem xét, bố trí thêm khu vực trông giữ xe cho khách đi tàu điện. Tăng thêm tiện ích sẽ thu hút thêm hành khách cho đường sắt đô thị”.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỉ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần phải điều chỉnh tiến độ. Ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bắt đầu đi vào khai thác thương mại. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được vận hành với sự háo hức, mong chờ của người dân Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Giá vé được TP Hà Nội phê duyệt chính thức, giá mở cửa là 7.000 đ/lượt, theo chặng là 8.000đ-15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. |