Thứ năm, 28/03/2024 | 17:07
RSS

Hàng loạt thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang là do 'nhờ vả nể nang'?

Thứ tư, 05/06/2019, 14:37 (GMT+7)

Việc nâng điểm cho 107 thí sinh ở Hà Giang chủ yếu là do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc.

Nguồn tin của Tiền Phong sáng 5/6 được biết, Viện KSND tỉnh Hà Giang vừa ban hành cáo trạng truy tố 5 bị can trong vụ gian lận điểm thi tại địa phương này. Trong đó, hai bị can bị  truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo điểm a khoản 2 điều 356 BLHS năm 2015 gồm:

Nguyễn Thanh Hoài - Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (KT&QLCLGD); Ủy viên ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia cấp tỉnh 2018; Phó Chủ tịch kiêm ủy viên thường trực Hội Đồng thi; Trưởng Ban thư ký Hội đồng thi; Phó trưởng Ban thường trực Ban chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang) và Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng Phòng KT&QLCLGD - Sở GD & ĐT tỉnh Hà Giang; Phó ban thư ký Hội đồng thi; Kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang

Hai bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại điểm b khoản 1 điều 366 Bộ luật hình sự 2015 gồm: Phạm Văn Khuông - Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, phụ trách Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng và Lê Thị Dung - Phó đội trưởng Đội Giáo dục Đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ  - Công an tỉnh Hà Giang.

Bị can Phạm Văn Khuông và bị can Triệu Thị Chính, cùng là Phó GĐ sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang. Bị can Triệu Thị Chính bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, quy định tại điểm b khoản 1 điều 358 Bộ luật hình sự 2015.

Bị can Vũ Trọng Lương là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm.

Hà Giang: Thí sinh được nâng kỷ lục 29,95 điểm, chủ yếu là 'nhờ vả nể nang'
Số bài thi được nâng điểm ở Hà Giang. Ảnh: Zing

Thí sinh được nâng điểm cao nhất có số báo danh 05000592 nâng 4 môn thi trắc nghiệm (Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Lý) số điểm chênh lệch 29,95 điểm. Thí sinh được nâng ít nhất có số báo danh 05000398 nâng 1 môn trắc nghiệm (Toán), số điểm chênh lệch 2,2 điểm.

Đáng chú ý, trong 20 trang của bản cáo trạng này cũng như trong 17 trang của bản kết luận điều tra hôm 15/4 của Công an tỉnh Hà Giang đều không thể hiện rõ kết quả điều tra việc các phụ huynh đã chi tiền để "nhờ nâng điểm" cho con em mình như thế nào.

Trong khi đó, vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La có rất nhiều lời khai liên quan đến việc "chi tiền nâng điểm", cá biệt có lời khai đưa tiền chạy điểm tới cả tỉ đồng.

Được biết hồ sơ vụ án này có tới 6.000 trang bút lục, nhưng theo chiều hướng điều tra, xác minh của các cơ quan tố tụng cho đến nay thì việc nâng điểm cho 107 thí sinh ở Hà Giang chủ yếu là do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, cùng với việc kết luận điều tra vụ án gian lận thi cử, Công an tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm.

Cụ thể, theo kết quả điều tra vụ án, tại hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang có 309 bài thi của 107 thí sinh được can thiệp nâng điểm. Tương ứng với số này là 210 bố, mẹ của thí sinh được xác định có liên quan việc nâng điểm (trong đó có 2 thí sinh trong cùng một gia đình).

Các phụ huynh trên hiện đều đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang hoặc làm nghề nông nghiệp, kinh doanh lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và một số địa phương khác, trong đó có nhiều vị đang đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN